Hiệu quả của lấy phiếu tín nhiệm

Ông Nguyễn Sỹ Cương (ảnh), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Tin Tức xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm.



Sau gần 2 năm kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm trước, ông đánh giá như thế nào về chuyển biến trong công tác quản lý của các chức danh sau khi được lấy phiếu?

Nhìn lại gần 2 năm kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên tại Quốc hội, đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét. Điều đó khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm mang lại nhiều tác dụng trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, ý thức trách nhiệm của các chức danh. Chúng ta chưa đặt nặng nề về việc lấy phiếu để rồi bãi nhiễm hay thay đổi một vị trí nào đó nhưng ít nhất mục đích “kích thích” các chức danh được bỏ phiếu cố gắng hơn, hoàn thiện mình hơn trong lĩnh vực phụ trách, quản lý có thể nói là đã đạt được.

Thực tế cho thấy một số bộ trưởng trước đây chưa được đánh giá cao và còn nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì có chuyển biến khá rõ rệt trong chỉ đạo, điều hành của mình. Tôi tin rằng việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ có những kết quả tốt hơn, mang lại nhiều ý nghĩa hơn vì đây có thể là lần lấy phiếu cuối nhiệm kỳ. Kết quả của việc lấy phiếu lần này không chỉ là đánh giá đối với các chức danh mà còn là kênh tham khảo rất quan trọng cho việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp sẽ diễn ra trong năm 2015. Các vị trí nào được đánh giá cao sẽ là cơ sở các cấp ủy Đảng, Chính phủ, Quốc hội lựa chọn để bầu vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhiệm kỳ tới.


Có nhiều ý kiến cho rằng những Bộ trưởng, trưởng ngành còn chưa được đánh giá cao trong lần lấy phiếu trước là do bộ, ngành đó phụ trách lĩnh vực có liên quan nhiều tới các vấn đề kinh tế xã hội và dân sinh nên việc đánh giá khắt khe hơn?

Lần lấy phiếu tín nhiệm trước, cũng có khá nhiều các Bộ trưởng, trưởng ngành có nhiều số phiếu tín nhiệm thấp. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy đã có rất nhiều chuyển biến. Có thể phân chia thành hai nhóm: Nổi bật hơn cả là các Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), Thống đốc NHNN, Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Xây dựng. Phải nói là các Bộ trưởng, trưởng ngành đó đã có nhiều hành động thiết thực, quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành. Điều đó có được thể hiện ý thức về vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành và lĩnh vực đã được nâng lên rất nhiều.

Bộ trưởng Bộ GTVT là người mới chuyển sang làm lãnh đạo quản lý ở cấp Bộ. Những hành động ban đầu mà theo các đại biểu cho là chưa được kín kẽ nhưng với phong cách hành động kiên quyết, thiết thực, hiệu quả đã chiếm được cảm tình của mọi người. Có thể nói là nhiều giải pháp được đưa ra đã giải quyết được căn bản những trì trệ của ngành GTVT trước kia và được xã hội đánh giá rất cao.

Hay như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng là đơn vị có nhiều thay đổi. Tôi còn nhớ là vào đầu nhiệm kỳ thì nguy cơ đổ vỡ ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế là điều khiến tất cả mọi người lo ngại. Sự đổ vỡ sẽ là rất nguy hại kéo theo nhiều sự đổ vỡ khác. Sự lãnh đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó trong tình trạng nhiều ngân hàng rất lao đao khiến nhiều người nghi ngờ. Sau 2 năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành của Thống đốc đã có kết quả đạt được đáng ghi nhận và hệ thống ngân hàng được đánh giá là ổn định. Nguy cơ đổ vỡ được loại bỏ. Do đó Thống đốc được đánh giá cao là người có giải pháp điều hành, quyết liệt trong chỉ đạo mang lại kết quả như vậy.

Bộ trưởng Công Thương cũng là Bộ có nhiều chuyển biến nhất là trong năm 2013 và 2014 này. Mặc dù tính đến nay mới qua 10 tháng của năm 2014 nhưng nhìn vào các chỉ số mà ngành công thương đạt được cho thấy hiệu quả của sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Công Thương. Có thể nói những vấn đề mà đại biểu Quốc hội còn băn khoăn như việc điều hành giá xăng dầu, quản lý thị trường và chống buôn lậu đã dần được khắc phục. Bên cạnh đó việc tiến hành đàm phán gia nhập TPP đang mang lại một niềm tin mới về sự khởi sắc của nền kinh tế trong thời gian tới. Một Bộ nữa cũng được đánh giá cao là Bộ Xây dựng. Có thể nói việc phá băng và sự ấm lên của thị trường bất động sản đánh dấu sự tham mưu đúng đắn của của Bộ Xây dựng giúp Chính phủ có giải pháp và bước đi phù hợp.

Nhóm thứ hai là sự chuyển biến chưa rõ nét của một số bộ và vẫn chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu, có thể nêu ra Bộ Y tế là điển hình. Mặc dù Bộ đã triển khai được một số hoạt động tốt như quan tâm đến y tế biển đảo, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, nhưng những vấn đề nhức nhối của ngành y tế vẫn chưa giảm bớt, tiêu cực còn.

Từ thực tế sau hơn 1 năm lấy phiếu tín nhiệm, ông có góp ý nào trong việc sửa Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm?


Việc đóng góp ý kiến cho Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm đã có nhiều đại biểu Quốc hội tham gia góp ý từ Kỳ họp thứ bảy. Trung ương cũng đã thảo luận kỹ và chốt việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành 1 lần vào năm thứ 3 và theo 3 mức. Đây cũng thể hiện sự thận trọng trong công tác cán bộ, tránh căng thẳng gây áp lực cho các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

Về cơ bản, tôi cũng thống nhất phương án này nhưng trong tương lai việc lấy phiếu cũng cần được xem xét, cân nhắc cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Vấn đề quan trọng là làm sao để ngày càng nâng cao hiệu quả của lấy phiếu tín nhiệm. Riêng đối tượng lấy phiếu tôi vẫn bảo lưu ý kiến là chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ vì quan trọng nhất là bộ máy điều hành hành chính Nhà nước. Lãnh đạo đất nước có hiệu quả hay không là nhờ bộ máy điều hành bên Chính phủ và thông qua lấy phiếu tín nhiệm để nâng cao tính hiệu quả điều hành, quản lý.

Xin cảm ơn ông!


Xuân Cường (thực hiện)

Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất
Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất

Trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ dành cả buổi sáng ngày 15/11/2014 để làm công việc lấy phiếu tín nhiệm đại biểu Quốc hội. Cảm giác đầu tiên của nhiều cử tri là thấy mừng và đặt nhiều hy vọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN