Theo các đại biểu Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần có những quy định cụ thể, để hoạt động này mang tính thực chất hơn. Ngoài ra, cần có những quy định về trình độ, năng lực của các đại biểu Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.Từ chức trước khi bỏ phiếu tín nhiệmHôm qua (22/10), các đại biểu Quốc hội (QH) đã dành cả ngày để thảo luận về dự án Luật Tổ chức QH. Đây là một đạo luật quan trọng, nhằm nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của các đại biểu cũng như hoạt động của QH.
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến nhất là nội dung liên quan tới việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo quy định trong dự thảo, nếu có trên 20% số đại biểu QH kiến nghị, thì chức danh do QH bầu và phê chuẩn sẽ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, nếu 2/3 số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, chức danh này sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe:
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày Tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). |
Nhiều đại biểu cho rằng, quy định có trên 2/3 số đại biểu đánh giá là tín nhiệm thấp là một tỉ lệ quá cao. Chỉ cần có trên 1/2 số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp là có thể đem ra bỏ phiếu tín nhiệm.
“Thay vì dùng tỉ lệ 2/3, tôi cho rằng chỉ cần 1/2 số đại biểu QH đánh giá tín nhiệm thấp là có thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy, hoạt động này sẽ mang tính thực chất hơn”, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) kiến nghị.
“Tôi cho rằng, có thể cho họ từ chức trước khi bỏ phiếu tín nhiệm nếu đa số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, để đỡ tạo tâm lý nặng nề và QH phải bỏ phiếu tín nhiệm. Do vậy, tôi cho rằng các vị trí đã không đủ phiếu tín nhiệm có thể từ chức ngay sau khi lấy phiếu tín nhiệm nếu không đủ tín nhiệm”, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng: “Trong dự luật quy định, phải có ít nhất 20% đại biểu QH kiến nghị thì mới đem các chức danh ra lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, lại chưa quy định rõ việc tập hợp đủ số lượng 20% đại biểu này như thế nào, đề nghị cần nghiên cứu để có quy định phù hợp, khả thi hơn”.
Ngoài ra, để quy định này khả thi hơn, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề xuất: “Nếu có trên 80% thành viên của các ủy ban của QH, Hội đồng dân tộc đồng ý thì các chức danh này có thể được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy, sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm nên ấn định vào kỳ họp cụ thể trong năm. Ví dụ trong kỳ họp thứ 4 và thứ 8 trong khóa họp”.
Nâng cao tiêu chuẩn đại biểu Quốc hộiTheo các đại biểu QH, để nâng cao chất lượng hoạt động của QH, cần nâng cao trình độ, kinh nghiệm của các đại biểu QH, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách trong các ủy ban.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Chất lượng đại biểu QH là rất quan trọng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của đại biểu QH về trình độ, năng lực… trong dự luật còn chung chung. Cần tăng số đại biểu chuyên trách và quy định rõ các đại biểu chuyên trách ở địa phương và Trung ương trong việc giám sát”.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị: “Phải quy định rõ trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các đại biểu QH để làm căn cứ cho cử tri đánh giá, lựa chọn và để các đại biểu QH đánh giá. Các quy định này trong dự luật này còn khá chung chung, không khác nhiều với việc đánh giá công chức. Trong khi, kỳ vọng của dân với đại biểu QH là rất lớn, phải có đủ năng lực, trình độ tham gia vào các vấn đề lớn”.
Ngoài ra, cần quy định rõ quyền hạn, vai trò của các đại biểu QH. “Ví dụ, đại biểu QH có tuổi đời trẻ 25 -26 tuổi kiến nghị ông Chủ tịch tỉnh để thay đổi việc này, việc kia thì rất khó, vì họ không phải là đại biểu chuyên trách. Do vậy, cần quy định quyền hạn tương xứng cho đại biểu QH, cần quy định rõ nguyên tắc hoạt động, xác định vị trí đoàn đại biểu QH”, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng cho rằng: “Đại biểu QH phải có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan giải thích, làm rõ những khiếu nại tố cáo. Nếu chưa thỏa đáng thì yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét giải quyết”.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) bổ sung: “Ngoài năng lực ra thì cần quy định số thời gian các đại biểu QH dành cho việc tiếp dân, hoạt động trong các cơ quan của QH. Đặc biệt là các đại biểu chuyên trách”.
“Quy định dành 1/3 thời gian để thực hiện nhiệm vụ QH là chưa đủ. Ví dụ mỗi năm họ có 240 ngày làm việc, tức là đại biểu chỉ có 80 ngày để làm việc cho QH. Trong khi đó, 2 kỳ họp trong năm đã tiêu tốn hết 70 ngày. Như vậy, các đại biểu QH chỉ còn 10 ngày tiếp xúc cử tri và làm việc là quá ít, không đủ thời gian hoạt động”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận xét.
Hữu Vinh