Theo nhiều đại biểu Quốc hội, trải qua hơn 4 năm tăng trưởng GDP thấp, đã đến lúc nền kinh tế Việt Nam cần có bước đột phá. Tuy nhiên, muốn làm được việc này thì yếu tố quan trọng nhất là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và cải cách cả những cán bộ đang điều hành bộ máy hành chính này.
Hạn chế việc “hành” là chínhHôm qua (21/10), các đoàn đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng. Theo nhiều đại biểu, trong suốt 4 năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam không đúng với tiềm năng. Trong khi, các nước trong khu vực đều tăng trưởng GDP mạnh như: Singapore tăng trưởng tới 4% (năm trước 1,3%), Lào 8,2%, Campuchia 7,1%... còn Việt Nam chỉ tăng trưởng gần 6% trong năm nay, gần như thấp nhất trong khu vực. Do vậy, trong kỳ họp này, Quốc hội phải tập trung hiến kế để giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến.Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Một trong những yếu tố được khá nhiều đại biểu đề cập tới để giúp nền kinh tế thoát khỏi sự trì trệ hiện nay là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới thuế, hải quan, các thủ tục công… để giúp doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư nước ngoài giảm bớt những chi phí không đáng có, tạo đà thúc đẩy kinh tế.
Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh:
Nguồn vốn cho đầu tư hạn chế
Cơ cấu sử dụng ngân sách cho thấy, chi thường xuyên tăng nhanh, chi đầu tư lại giảm mạnh, trái với việc bố trí sử dụng ngân sách. Đây là điều đáng lo ngại. Có tới 65 -72% ngân sách sử dụng cho chi thường xuyên. Như vậy, ngoài việc trả nợ ra thì việc chi cho đầu tư phát triển chỉ còn hơn chục phần trăm. Chúng ta nói tinh giảm biên chế, chống lãng phí… nhiều rồi nhưng làm sao thực hiện được những việc này. Bên cạnh đó, chúng ta lo nợ công cao là đúng nhưng đáng lo hơn là sử dụng đồng vốn vay không hiệu quả. Thể hiện chỗ chúng ta trả nợ hàng năm. Các nước Mỹ, Nhật Bản có tỉ lệ nợ công cao nhưng chi trả của họ dưới 10% ngân sách hàng năm. Còn ta chi tới 26%, như vậy nguồn tiền cho đầu tư còn lại rất hạn chế. |
“Nhũng nhiễu như căn bệnh ký sinh trong cơ thể người, nó hút máu dần dần khiến cho nền kinh tế không thể tăng trưởng nhanh được. Có thể nói, việc nước này tăng trưởng cao hơn nước khác chính là sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đề giải phóng các nguồn lực này thì thủ tục hành chính đóng vai trò then chốt”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhận định.
“Tình trạng tham nhũng vặt đang làm xói mòn tâm lý nhà đầu tư và làm cho nhà đầu tư nước ngoài rất khó chịu”, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) chia sẻ.
Theo các đại biểu, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt như ý muốn là do môi trường kinh doanh, nhiều năm Việt Nam tiến hành cải cách hành chính, nhiều năm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước nhưng chưa đạt yêu cầu.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Kinh tế Việt Nam chạm đáy và bắt đầu phục hồi từ cuối năm ngoái, nhưng phục hồi quá yếu”.
“Muốn cho nhanh công việc thì phải có lót tay, bao thư. Các đồng chí xuống gặp dân mà hỏi, 10 người thì 8 người rất bức xúc những việc này. Hỏi cô bác chỉ coi ai làm việc đó, đây chính là thủ tục “hành là chính” chưa minh bạch. Có nhiều ngõ ngách, thiếu minh bạch để cán bộ công chức nhũng nhiễu nhân dân”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) phát biểu về nguyên nhân của tình trạng trên.
Khâu cán bộ là gốcĐể giải quyết thực trạng nhũng nhiễu này, “Công tác phòng chống tham nhũng, nhũng nhiễu cần được làm quyết liệt. Nơi nào để xảy ra tham nhũng, nhũng nhiễu, bị người dân phản ánh thì cần thay ngay những người lãnh đạo ở nơi đó”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề xuất.
“Cái thiếu minh bạch chính là tổ chức bộ máy. Vậy có làm được trong sạch bộ máy trong khi lương bổng rất thấp 3 - 4 triệu đồng/người. Vì vậy, phải có giải pháp căn cơ chống tham nhũng ở góc độ con người và có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn”, đại biểu Quyết Tâm chia sẻ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng: “Phải tăng cường quản lý công tác cán bộ vì cán bộ là gốc. Tại sao Chính phủ tốn nhiều công sức, tiền của để chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính nhưng xã hội vẫn bức xúc. Do vậy, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Phải chọn người tài, đủ tiêu chuẩn, chứ không phải bổ nhiệm người mình thích”.
Theo các đại biểu, để giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững thì quang trọng nhất là giải quyết bài toán chống tham nhũng, nhũng nhiễu. Từ đó sẽ tăng việc sử dụng vốn có hiệu quả, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính, từ đó sẽ tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư lâu dài và bền vững.
Hữu Vinh