Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII. Nhờ phát huy dân chủ, tôn trọng ý kiến nhân dân kết hợp với làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhất là những cán bộ diện dôi dư phải sắp xếp công việc mới, quá trình sáp nhập đã diễn ra thuận lợi.
Sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ
Theo số liệu thống kê, trước thời điểm sáp nhập, xã Kênh Giang có diện tích tự nhiên 0,46 km2 và 596 nhân khẩu, còn xã Văn Đức có diện tích 14,9 km2 và 10.020 nhân khẩu. Hai xã đều là xã loại 3, không đảm bảo tiêu chí dân số và diện tích. Sau khi sáp nhập, phường Văn Đức có 15,36 km2 diện tích tự nhiên với 10.616 nhân khẩu.
Việc sáp nhập xã Kênh Giang và Văn Đức nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; đồng thời tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sau nửa tháng kể từ thời điểm Nghị quyết sáp nhập hai xã có hiệu lực, cơ bản công việc sắp xếp bộ máy mới và bố trí công việc cho những cán bộ dôi dư đều đã hoàn tất.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Đồng Bá Đoán, Bí thư phường Văn Đức cho biết: “Đến thời điểm này, mọi công việc đều diễn ra thuận lợi, nhân dân đồng tình, tập thể cán bộ đoàn kết. Những cán bộ trước ở xã Kênh Giang nay nhận công tác mới ở phường Văn Đức cũng đã bắt nhịp nhanh với công việc”.
Suốt hơn 2 tuần nay, anh Phùng Văn Mạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Văn Đức tất bật đủ việc để tiếp cận nhiệm vụ mới. Anh Phùng Văn Mạnh chuyển công tác từ Phó Bí thư Đảng ủy ở Đảng bộ xã Kênh Giang trước kia vốn chỉ có 76 đảng viên sang Đảng bộ phường Văn Đức hiện giờ với 448 đảng viên, khối lượng công việc tăng lên.
Tuy nhiên, anh Mạnh cho biết, nhờ sự quan tâm, đoàn kết của các đồng chí lãnh đạo, sau khi nhận quyết định, đến nay cá nhân anh và các cán bộ trong diện điều chuyển đều có tư tưởng thoải mái và sẵn sàng tâm thế tốt nhất để thực hiện các công việc trên cương vị mới.
Nhớ lại thời điểm có thông tin về chủ trương sáp nhập, anh Mạnh chia sẻ: “Mới đầu, cũng như những cán bộ khác trong xã, tôi không tránh khỏi lo lắng, băn khoăn về công việc sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, Ban Tổ chức Thành ủy đã có nhiều cuộc làm việc với đội ngũ cán bộ hai xã, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng cá nhân. Việc sắp xếp, điều động cán bộ sau đó đã được giải quyết trên cơ sở vừa đáp ứng nguyện vọng cán bộ, vừa phù hợp với chuyên môn và thuận lợi nhất có thể cho từng người. Chính vì thế, tôi và các anh em đều vui và thoải mái chấp hành sự phân công”.
Chỉ một tuần sau khi Nghị quyết về việc sáp nhập hai đơn vị hành chính xã Kênh Giang và Văn Đức có hiệu lực, ngày 7/3/2019, kỳ họp Hội đồng nhân dân phường Văn Đức được tiến hành để bầu các chức danh lãnh đạo, thành viên ủy ban. Kết quả kỳ họp, tất cả các vị trí chức danh được bầu đều có số phiếu tín nhiệm tuyệt đối.
Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ khi tiến hành sáp nhập hai xã là một “bài toán” hóc búa mà nếu giải thành công sẽ tạo đà cho sự ổn định, phát triển của đơn vị hành chính sau sáp nhập. Để “giải” bài toán này, Đảng bộ thành phố Chí Linh đã tiến hành lấy ý kiến của nhân dân. Kết quả, 98% ý kiến nhân dân đồng thuận, nhất trí cao. Cùng với đó, việc gặp gỡ, trao đổi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ đã được Ban Thường vụ Thành ủy Chí Linh đặc biệt quan tâm, với chủ trương sắp xếp đảm bảo đúng nguyên tắc và đáp ứng nguyện vọng của cán bộ. Ban Thường vụ Thành ủy Chí Linh đã tiến hành rà soát năng lực, tiêu chuẩn, kinh nghiệm của từng cán bộ, trên cơ sở đó, sắp xếp bộ khung cán bộ lãnh đạo mới theo nguyên tắc cứ 2 cán bộ của Văn Đức sẽ có 1 cán bộ của Kênh Giang.
Sau khi sáp nhập, bộ máy của đơn vị hành chính hiện tại giảm được 14 biên chế so với hai đơn vị hành chính trước kia. Số cán bộ còn lại được bố trí về những vị trí phù hợp ở các phòng, ban ở Ủy ban nhân dân Thành phố, Thành ủy Chí Linh, các phường, xã khác trong thành phố. Tương tự, cán bộ ngành giáo dục, y tế cũng được sắp xếp theo nguyên tắc này. Ước tính, việc sáp nhập hai xã sẽ giúp giảm gần 50% chi ngân sách cho bộ máy cũng như chi thường xuyên.
“Chí Linh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp xã. Công tác chuẩn bị chỉ trong 6 tháng nhưng quá trình sáp nhập đã diễn ra rất thuận lợi và có kết quả bước đầu tốt đẹp. Có được điều này nhờ chúng tôi dựa trên ba nền tảng: Tôn trọng nhân dân, tôn trọng cán bộ và quan tâm đầu tư thiết chế hạ tầng để nhân dân được hưởng lợi”, Bí thư Thành ủy Chí Linh Lưu Văn Bản khẳng định.
Tăng đầu tư để người dân được hưởng lợi
Sau khi sáp nhập hai xã, một trong những việc trọng tâm được thành phố Chí Linh định rõ là tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông và các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa để người dân được hưởng lợi, từ đó củng cố thêm lòng tin, sự đồng thuận trong nhân dân.
Theo Bí thư Thành ủy Chí Linh Lưu Văn Bản, trong năm 2018 và 2019, hàng loạt dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông ở phường Văn Đức đã và đang được khẩn trương triển khai với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Các công trình cầu, đường mới sẽ vừa tạo nên diện mạo khang trang cho Văn Đức, vừa giúp rút ngắn thời gian đi lại của người dân địa phương ở những vùng xa vốn thuộc xã Kênh Giang trước kia về trung tâm Chí Linh từ hơn một tiếng đồng hồ nay chỉ còn khoảng 20 phút. Hơn thế, hạ tầng giao thông được nâng cấp sẽ kết nối Văn Đức với các khu vực lân cận thuận lợi hơn, mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó ổn định trật tự xã hội, giảm tệ nạn và tỷ lệ hộ nghèo.
Bên cạnh“mũi nhọn” là đầu tư hạ tầng giao thông, thành phố Chí Linh cũng quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp; rà soát các hộ khó khăn để trợ giúp kịp thời về nhà ở. Về giải quyết việc làm và an sinh xã hội trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Chí Linh Lưu Văn Bản chia sẻ: “Căn cứ vào đặc thù của từng vùng, chúng tôi cũng đã chọn những hướng đi, lĩnh vực phù hợp để có thể phát huy tối ưu lợi thế mỗi vùng”.
Cùng với việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ sau khi sáp nhập, công tác tiếp dân cũng được phường đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Văn Đức cho biết, sau khi sáp nhập, người dân ở khu dân cư Nam Hải và Tân Lập (trước kia thuộc xã Kênh Giang) phải đi xa hơn, mỗi lần phải làm các thủ tục hành chính ở ủy ban. Hiện tại, lãnh đạo phường đã có chủ trương tạo điều kiện tối đa, ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh nhất, sớm nhất cho người dân ở những khu vực này. Đồng thời, trong quá trình làm việc, từng cán bộ tiếp tục sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe những phản hồi từ người dân để có điều chỉnh kịp thời.
Một điều dễ nhận thấy khi gặp gỡ và chuyện trò với người dân phường Văn Đức những ngày qua là sự hồ hởi, tin tưởng vào những thay đổi đang diễn ra khi sáp nhập hai xã. Ông Đào Văn Hè (thôn Nam Hải, xã Kênh Giang, nay là khu dân cư Nam Hải, phường Văn Đức) vui vẻ cho biết: “Người dân đều hiểu, ủng hộ chủ trương của Nhà nước và đồng tình cao với việc sáp nhập. Những ngày qua, khi có việc lên phường làm giấy tờ, chúng tôi đều được cán bộ phường tận tình chu đáo hướng dẫn, đặc biệt là rất ưu tiên cho người dân khu dân cư Nam Hải và Tân Lập vốn thuộc xã Kênh Giang trước kia. Sắp tới, đường sá được mở mang, xây thêm cầu, bà con càng phấn khởi hơn. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ và tỉnh Hải Dương quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí trong việc chuyển đổi các giấy tờ cá nhân như căn cước, thẻ bảo hiểm, giấy phép lái xe… để người dân thuận lợi khi giải quyết công việc của cá nhân, gia đình”.
Hiệu quả từ việc sáp nhập sẽ còn cần thêm thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, trước mắt có thể thấy việc triển khai một chủ trương đúng đắn với sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ và tập thể Đảng bộ, chính quyền địa phương hướng tới một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, người dân có quyền lạc quan, kỳ vọng về một phường Văn Đức nhanh chóng chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ cùng sự phát triển của thành phố trẻ Chí Linh nhiều tiềm năng.