Gỡ khó trong phát triển Đảng viên ở vùng có đạo - Bài 2: Sự lan toả từ các chức sắc tôn giáo

Để có được những kết quả nổi bật trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo, trở thành điểm sáng trong vùng, các tỉnh Ninh Bình, Nam Định đã mất nhiều thời gian để từng bước gỡ khó, giải những “nút thắt”.

Có những thời điểm khó khăn, việc phát triển đảng viên trong đồng bào có đạo như “đãi cát tìm vàng”, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng lãnh đạo và những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Cầu nối giữa Đảng với giáo dân

Chú thích ảnh
Đảng viên Nguyễn Hữu Tình là người Công giáo xóm 7, xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (bên trái ảnh) nguyên là Chánh trương giáo họ Lưu Phương.

Những người có uy tín trong đồng bào Công giáo nếu đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ là những nhân tố rất tốt để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

Đảng viên Nguyễn Hữu Tình là người Công giáo xóm 7, xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ông nguyên là Chánh trương giáo họ nơi đây. Từng là người lính tham gia chiến đấu đánh đuổi Pôn Pốt ở Campuchia, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ông Tình nhận thức rõ về trách nhiệm của người lính. Rời quân ngũ, trở về địa phương lao động sản xuất, đảng viên Nguyễn Hữu Tình luôn là tấm gương sáng trong sinh hoạt và lao động sản xuất để quần chúng nhân dân và các đảng viên trong xã noi theo.

Linh mục Nguyễn Hồng Phúc, Chính xứ Khiết Kỷ, Giáo phận Phát Diệm, xã Ân Hòa (huyện Kim Sơn) cho biết: Với phương châm “Kính chúa, yêu nước” và tinh thần “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, Linh mục đã kết hợp hài hòa giữa đạo và đời, bằng suy nghĩ chân thành, với những việc làm thiết thực. Linh mục đã đồng hành và tận tình chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn; gần gũi, động viên giáo dân, nhất là những giáo dân là đảng viên thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đồng thời, bản thân Linh mục Nguyễn Hồng Phúc tích cực tham gia công tác nhân đạo, từ thiện như hiến máu tình nguyện, tặng quà người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Linh mục Nguyễn Hồng Phúc nhận được sự tin tưởng, yêu quý của các đảng viên và đông đảo bà con giáo dân trong xứ và cả với những người không theo đạo Công giáo. Nhờ sự nỗ lực vươn lên của quần chúng là người có đạo phấn đấu sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng và sự ủng hộ nhiệt thành của các Linh mục, chức sắc, chức việc cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ninh Bình luôn là địa phương đi đầu trong việc mở các lớp nhận thức về Đảng. Từ đó quần chúng có đạo hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng, tích cực phấn đấu, rèn luyện để được kết nạp vào Đảng.  

Rõ ràng, những đảng viên là người có đạo, nhất là những chức sắc, chức việc, sẽ là “cánh tay nối dài” trong công tác xây dựng, phát triển Đảng. Có được kết quả đó, là do hằng năm các Chi bộ, Đảng ủy thôn, xóm nơi có đông đồng bào Công giáo đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên.

Khi được cấp trên giao chỉ tiêu kết nạp Đảng, Chi bộ cơ sở tăng cường mở các lớp nhận thức về Đảng, nhất là mở các lớp ngay tại vùng có đông đồng bào có đạo để tạo điều kiện cho quần chúng là người có đạo theo học. Đảng bộ các xã, thị trấn thường xuyên quan tâm đến việc phát triển đảng viên là người có đạo nhằm tăng cường lực lượng cốt cán ở vùng có đông đồng bào có đạo, góp phần thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Nhờ việc quán triệt, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng nên nhận thức của đảng viên, các tổ chức Đảng, nhất là quần chúng có đạo được nâng lên. Công tác vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng có đạo phấn đấu vào Đảng được các cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể quan tâm.

Đảng viên là người có đạo cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong sinh hoạt tôn giáo… Thực tiễn đã cho thấy chủ trương này là đúng đắn bởi những đảng viên là người có đạo, khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng; trong đó có những đảng viên trẻ có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Vì thế, ở Ninh Bình, Nam Định, nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo, nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã được nâng cao; góp phần kịp thời bổ sung được lớp kế cận cho Đảng, “tre già măng mọc” theo đúng quy luật.

Phát triển các chức sắc tôn giáo vào Đảng

Qua tìm hiểu thực tế tại Ninh Bình và Nam Định, chúng tôi nhận thấy: Việc vận động chức sắc tôn giáo vào Đảng, từ khi có ý tưởng đến khi được hiện thực hóa cũng mất một thời gian dài bởi nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa kết nạp được chức sắc “đương chức” nào vào Đảng.

Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng (trong đó có những người làm chức sắc, chức việc trong đồng bào Công giáo) phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên ở một số cấp uỷ cơ sở có lúc, có thời điểm chưa thực sự quan tâm. Số quần chúng có đạo được kết nạp vào Đảng trong những năm qua tăng nhưng tỷ lệ còn thấp so với yêu cầu, chưa kết nạp được quần chúng là các chức sắc trong các tôn giáo vào Đảng.

Huyện Kim Sơn là vùng có đông đồng bào theo đạo Công giáo, chiếm tỷ lệ cao, có thôn, xóm 100% nhân dân theo đạo Công giáo, việc nhận thức của quần chúng về Đảng vẫn còn có hạn chế, việc phấn đấu để bảo đảm các tiêu chuẩn của người vào Đảng còn gặp nhiều khó khăn, có khi còn chịu áp lực về gia đình... Nguồn kết nạp đảng nói chung, kết nạp đảng viên là người có đạo nói riêng ngày càng khó khăn, đa số thanh niên đi học tập, công tác, đi làm ăn xa, số còn lại ở địa phương cao tuổi, không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng.

Một số chi bộ ở thôn, xóm hiện nay nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên, bình quân độ tuổi cao, số đảng viên tuổi cao, sức yếu, miễn sinh hoạt đảng đông… gây ra nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở khu dân cư. Động cơ, thái độ phấn đấu vào Đảng của một số quần chúng, cảm tình đảng chưa rõ ràng, chưa đúng đắn, chưa kiên trì.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Công tác phát triển Đảng ở vùng Công giáo có đạt được kết quả hay không là do yếu tố con người, trước hết là những người lãnh đạo có “tâm” và có “tầm” trong cả hệ thống chính trị. Để có sự thành công nổi bật này, phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, cụ thể là việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tiễn từng địa phương về công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Yếu tố con người ở đây còn là những đảng viên là người có đạo có tiếng nói, có sức ảnh hưởng lớn trong quần chúng nhân dân.

Nếu biết sử dụng những chức sắc, chức việc làm “cánh tay nối dài” thì việc tuyên truyền, thuyết phục người có đạo sẽ dễ dàng, thuận lợi. Nếu duy trì, củng cố, nâng cao mối quan hệ với các chức sắc, chức việc các tôn giáo, công tác phát triển đảng viên là người có đạo sẽ có rất nhiều thuận lợi vì với người có đạo, đức tin, sự chân thành là quan trọng nhất.

Từ năm 2008 đến 2018, toàn huyện Kim Sơn đã kết nạp được 359 đảng viên là người có đạo (đều là người theo đạo Công giáo), bình quân mỗi năm kết nạp được 32 đảng viên là người có đạo.

Bài cuối: "Việc khó vẫn quyết tâm làm"

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức
Phát huy vao trò của Công đoàn trong xây dựng và phát triển Đảng
Phát huy vao trò của Công đoàn trong xây dựng và phát triển Đảng

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN