Giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác để phát triển

Thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam luôn chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, tăng cường các mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra từ ngày 22-26/8 tại Hà Nội, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tình hình thế giới và khu vực, quan hệ với các nước lớn và đối sách của Việt Nam.

Kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, tự chủ

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cho rằng: Trong hoàn cảnh hiện nay, quan trọng nhất và hơn bao giờ hết, phải kiên trì đường lối đối ngoại mà Đại hội XII đã chỉ rõ, đó là đường lối đối ngoại hòa bình, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, trong đó có nội hàm quan trọng là đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, xử lý quan hệ với các nước lớn cũng như từng lĩnh vực phải phù hợp với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Cũng theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, hiện nay Trung quốc trỗi dậy rất mạnh mẽ và tập hợp lực lượng trên thế giới đang diễn ra đa tầng nấc. Nhưng tất cả các nước lớn đều mong muốn duy trì khuôn khổ quan hệ tương đối hòa bình. Đây là lợi ích giữa Việt Nam cũng như khu vực và các nước lớn có điểm tương đồng với nhau, đều hết sức mong muốn hòa bình và có môi trường ổn định. Quan trọng nhất là ngoại giao phải dựa trên thực lực của đất nước, nếu đất nước ta lớn mạnh hơn, nền kinh tế phát triển tốt hơn thì chắc chắn tiếng nói, vị thế ngày càng cao trên thế giới. Khi Cộng đồng ASEAN chính thức vận hành vào cuối năm ngoái, hơn bao giờ hết vị thế đối ngoại của Việt Nam không những đối với từng nước lớn mà kể cả trong các tổ chức quốc tế có lợi hơn rất nhiều.

Đánh giá về khả năng phát triển của Trung Quốc trong tương lai và tác động tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng, phải nhìn nhận Trung Quốc là một nước lớn đang vươn lên và trỗi dậy rất mạnh mẽ. Từ năm 2010, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, trong rất nhiều lĩnh vực về khoa học, công nghệ và đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn. Đồng thời, Trung Quốc đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế để làm sao phát triển ổn định hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chỉ có thể phát triển lớn mạnh được khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình và ổn định. Đây cũng là lợi ích của Trung Quốc. Có thể thấy hiện nay, tình hình quốc tế, khu vực xung quanh Trung Quốc đang có rất nhiều biến động, từ tình hình bán đảo Triều Tiên, quan hệ Trung – Nhật và ngay cả vấn đề Biển Đông. Trong trao đổi với phía Trung Quốc và các học giả, chúng tôi đều nói rõ, lợi ích lớn nhất của Trung Quốc đó là phải làm sao cho các nước trên thế giới và trong khu vực thấy Trung Quốc là một nước lớn, trỗi dậy và phát triển nhưng đóng góp tích cực, xây dựng vào hòa bình, ổn định của khu vực.

“Thêm bạn bớt thù”

Đánh giá về bối cảnh cạnh tranh nước lớn rất phức tạp như hiện nay, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, thế giới có những diễn biến rất phức tạp, bức tranh quốc tế có nhiều xáo trộn, các nước lớn vẫn đang chi phối bức tranh này, phân chia ảnh hưởng quyền lợi của mình trong vị trí cường quốc.

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với nền ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng thời cơ cũng không nhỏ. Chúng ta làm sao vừa giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông đồng thời giữ được quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Chính sách đối ngoại của Việt Nam đang đi rất đúng hướng. Chúng ta vẫn giữ vững được ổn định ở Biển Đông và đang cố gắng tạo ra những quan hệ tốt để tranh thủ phát triển kinh tế, tham gia một số tổ chức kinh tế thế giới và các hiệp ước liên minh kinh tế thế giới. Quan hệ của chúng ta với một số nước đang có bước đi đúng. Chúng ta xác định được các đối tác cũng như đối tượng, trong đó có cả những nước vừa là đối tác vừa là đối tượng và đang có những bước thâm nhập mạnh mẽ vào khu vực châu Âu.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn phân tích, Liên bang Nga là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, nhưng đang chịu sự bao vây cấm vận của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Việt Nam vừa quan hệ tốt với Nga vừa quan hệ tốt với Liên minh châu Âu. Điều đó thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam rất uyển chuyển phù hợp, chọn đường đi “thêm bạn bớt thù”, thông qua việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và tới đây là ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Những bước đi đó đã đặt cho Việt Nam vị thế rất quan trọng trong con mắt của các quốc gia lớn ở châu Âu.

Ngoại giao phục vụ phát triển

Trao đổi về những điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho biết, Ấn Độ đang phát triển, trỗi dậy một cách hòa bình, chuyển từ chính sách hướng Đông sang hành động hướng Đông và sẽ can dự tích cực hơn, tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt là Việt Nam. Chính sách hành động hướng Đông và tăng cường can dự của Ấn Độ có lợi cho hòa bình, ổn định nói chung. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường quan hệ với Ấn Độ.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. Ảnh: Minh Lý/TTXVN

Việt Nam tăng cường hợp tác với Ấn Độ sẽ có nhiều điểm lợi bởi Ấn Độ là một thị trường lớn với nhiều tiềm năng về thị trường, đầu tư, du lịch chưa được khai thác. Quan hệ chính trị tốt đẹp hiện nay là điều kiện rất lớn để Việt Nam tăng cường quan hệ với Ấn Độ, tạo ra mối quan hệ đa dạng, giảm bớt sức ép của các cường quốc khác. Do đó, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ với các nước là vô cùng đúng đắn, đặc biệt vào thời điểm hiện nay khi Ấn Độ lớn mạnh và thế giới trở nên đa cực. Hai nước tăng cường quan hệ hợp tác để hai bên cùng có lợi về kinh tế, chính trị và cùng phát triển.

Đánh giá về ngoại giao phục vụ phát triển, Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh, Việt Nam có cả một hệ thống cơ quan đại diện, có thể trực tiếp, tranh thủ vận động các công ty và cũng hiểu được tình trạng kinh tế nước bạn để tư vấn kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp nước sở tại và doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế ngoại giao có thể khai thác để phục vụ phát triển, phục vụ lợi ích của đất nước. Cụ thể, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ hoạt động rất mạnh về ngoại giao kinh tế, ngoài thương vụ chủ yếu làm về thương mại, Đại sứ quán còn có phòng kinh tế nghiên cứu về tình hình kinh tế của Ấn Độ và tìm ra tiềm năng, đánh giá quan hệ hai nước một cách tổng thể. Năm 2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác định hoạt động trọng tâm xúc tiến đầu tư, gặp gỡ các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của Ấn Độ có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam…

Để thúc đẩy quan hệ hợp tác thời gian tới, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng, hai bên phải tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ chính trị tốt đẹp, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao để tạo ra những khuôn khổ và biện pháp hợp tác tốt hơn trong tương lai; làm cho các cơ chế hợp tác hoạt động hiệu quả và phải thúc đẩy hơn nữa tiểu ban về thương mại, các tiểu ban về khoa học kỹ thuật.

Chia sẻ về tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng, hiện nay đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ. Trước hết Việt Nam phải khai thác được hiệp định đó để nâng kim ngạch thương mại hai bên, đồng thời suy nghĩ đến biện pháp khác để khai thác được mối quan hệ chính trị phục vụ kinh tế. “Về giáo dục, đây là lĩnh vực hợp tác cũng rất tiềm năng, hệ thống giáo dục của Ấn Độ tốt. Hai bên cần tăng cường cơ chế tiểu ban về giáo dục để khai thác tiềm năng hợp tác giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên sang học nhiều hơn nữa tại Ấn Độ, chi phí không quá cao, con người Ấn Độ thiện cảm với Việt Nam, đó là những lợi thế”, Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của ngành ngoại giao
Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của ngành ngoại giao

Ngày 23/8, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp thứ hai về Ngoại giao phục vụ phát triển với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN