Giải trình công tác thẩm định dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 18, chiều 24/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thẩm định văn bản trong quy trình xây dựng văn bản, ban hành chính sách. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác thẩm định có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong kiểm soát và nâng cao chất lượng văn bản. Phiên giải trình này nhằm làm rõ những việc đã làm được, vấn đề chưa rõ, chưa được để kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đảm bảo chất lượng thẩm định

Báo cáo một số nội dung của công tác thẩm định và việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định 71 dự án, dự thảo. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản đảm bảo hồ sơ đầy đủ, chất lượng của các tài liệu trong hồ sơ từng bước được nâng cao. Về thời hạn thẩm định, quy định là 20 ngày nhưng thời gian trung bình Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định là 15 ngày. Đặc biệt, trong một số trường hợp, Bộ đã tập trung nguồn lực, huy động nhiều chuyên gia, nhà khoa học để rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng thẩm định (tổ chức thẩm định và có báo cáo sau 5 ngày).

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, báo cáo thẩm định đã thể hiện đầy đủ các nội dung thẩm định, nêu rõ quan điểm về việc dự án, dự thảo có đủ hay không đủ điều kiện trình Chính phủ. Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đánh giá cao…

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 10/2018, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận xử lý 51 dự án luật, 4 dự án pháp lệnh, 6 dự thảo nghị quyết do các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ xem xét, thông qua để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các dự án trình Chính phủ cơ bản đã tuân thủ nghiêm túc, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thành phần, số lượng, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, phương thức…

Cơ bản khắc phục hạn chế trong tiếp thu, giải trình

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại phiên họp, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Cụ thể, việc chuẩn bị và gửi hồ sơ thẩm định vẫn còn trường hợp chậm, chỉ gửi công văn đề nghị thẩm định mà không có hồ sơ kèm theo hoặc hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thẩm định một số dự án, dự thảo, sự phối hợp tham gia thẩm định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vẫn còn hạn chế, chưa bố trí được người tham gia hoặc cử cán bộ tham gia không đúng thành phần hoặc ít kinh nghiệm nên chất lượng ý kiến thẩm định chưa cao…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ trách nhiệm nặng nề của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định khi hiện nay số dự án luật, pháp lệnh, hệ thống văn bản dưới luật rất nhiều. Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, nếu như làm tốt khâu thẩm định của Bộ Tư pháp và khâu thẩm tra ở các cơ quan Quốc hội thì chất lượng các dự án luật, pháp luật, nghị quyết… sẽ tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cũng chỉ rõ, một số hồ sơ dự án luật chất lượng yếu nhưng Bộ Tư pháp vẫn “cho qua”. Một số dự án luật từ lúc trình ra Quốc hội cho đến khi được thông qua khác nhau rất xa; nhiều báo cáo đánh giá tác động không đạt yêu cầu… Một số báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp đã chỉ rõ vấn đề cần phải sửa nhưng không được giải trình, tiếp thu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, đây là một thực tế. Tuy nhiên, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2018 cùng sự tham gia thiết thực, chất lượng của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội vào công tác xây dựng pháp luật thì tình trạng hạn chế trong tiếp thu, giải trình đã cơ bản được khắc phục, nếu còn yếu thì xử lý ở các công đoạn khác nhau. Bộ trưởng dẫn chứng, có trường hợp Bộ Tư pháp không nhất trí trình Chính phủ để trình cơ quan có thẩm quyền đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia…

Về đề xuất rút ngắn thời gian thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ sự không nhất trí với đề xuất này. Bộ trưởng phân tích, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định là 20 ngày thì nhiều trường hợp Bộ Tư pháp đã đẩy nhanh tiến độ còn 15 ngày, thậm chí có trường hợp chỉ còn 3 - 5 ngày. Nêu kinh nghiệm của nước ngoài, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác thẩm định là nhọc nhằn, đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng nên 20 ngày đã là ngắn. Đó là chưa kể đến việc lập hội đồng thẩm định cũng cần huy động trí tuệ tập thể không nhỏ bởi không phải cơ quan nào cũng sẵn sàng cử người. 

Quan tâm chính sách thu hút cán bộ pháp chế

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân nhất trí với báo cáo của Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ: Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật và pháp chế còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, sự phối hợp với các cơ quan thẩm định trong giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định chưa chặt chẽ. Đây là nguyên nhân dẫn đến khá nhiều thiếu sót và kéo dài nhiều năm. “Chất lượng dự án luật từ lúc trình đến thông qua, đại biểu Quốc hội tốn quá nhiều thời gian để góp ý về cách diễn đạt từ ngữ, văn phạm, chính tả. Điều đó thể hiện việc chấp bút soạn thảo có vấn đề”, đại biểu Lê Xuân Thân phân tích và đề nghị nêu rõ trách nhiệm Bộ trưởng trong việc xây dựng đội ngũ pháp chế bộ, ngành, địa phương.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp nêu rõ giải pháp nâng cao năng lực cán bộ pháp chế.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận có hạn chế trong quá trình đào tạo cán bộ và tạo điều kiện cho cán bộ pháp chế. “Thủ tướng luôn nói, vấn đề xây dựng thể chế cán bộ, xây dựng pháp luật rất quan trọng nhưng khi bổ nhiệm, bố trí cán bộ, chế độ cán bộ chưa được quan tâm đúng mức. Việc quan tâm cán bộ làm công tác pháp luật còn hạn chế trong vấn đề đào tạo, tuyển dụng, tạo điều kiện cán bộ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường cán bộ pháp chế rất khó khăn. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn các bộ, ngành, địa phương quan tâm các chính sách thu hút, bản thân cán bộ cũng cần nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp. Bộ Tư pháp sẽ cố gắng tối đa trong việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế.

Phan Phương (TTXVN)
Phiên họp toàn thể lần thứ 16 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Phiên họp toàn thể lần thứ 16 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ngày 6/3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 16 thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN