Trên đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng tại Hội nghị Toàn quốc về công tác đào tạo Cao cấp lý luận chính trị diễn ra chiều 9/5 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi một đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, phải khắc phục triệt để tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học đối phó, học để lấy bằng cấp, học để quy hoạch, học để bổ nhiệm.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phẩm chất của cán bộ phải được đào tạo, bản lĩnh phải được rèn luyện, kiến thức phải được cập nhật, có như vậy mới am tường lý luận, đủ khả năng để lãnh đạo, xử lý vấn đề trong thực tế đặt ra.
Khẳng định kết quả học tập lý luận chính trị phải là tiêu chí cứng để đánh giá cán bộ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc đăng ký chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, đảm bảo việc cử cán bộ tham gia đào tạo lý luận chính trị đúng đối tượng, đủ chỉ tiêu đăng ký; phối hợp quản lý hoạt động học tập - rèn luyện tại Học viện của cán bộ. Đồng thời, không giao nhiệm vụ cho cán bộ trong thời gian học tập hệ tập trung; không cử cán bộ đang học tập đi công tác nước ngoài trong thời gian kế hoạch giảng dạy - học tập, để việc học tập đạt kết quả cao nhất.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có những phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Trong đó, các ý kiến phát biểu cho rằng việc đổi mới xây dựng và thiết kế nội dung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo yêu cầu nâng cao năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn và nhu cầu của người học.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cho rằng, cần coi trường Đảng và công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị là cơ hội để sàng lọc, phát hiện kịp thời những học viên thực sự xuất sắc trong học tập, rèn luyện, tư duy, kỹ năng, tầm nhìn... để cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ. Qua đó, tạo động lực cho cán bộ được cử đi học nỗ lực, phấn đấu trong quá trình học tập.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, Đảng đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng. Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ về nội dung, chương trình, giáo trình, về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp trong đào tạo lý luận chính trị, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp.
Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 09-KL/TW ngày 9/7/2021 về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên; Quy định số 57-QĐ/TW ngày 8/2/2022 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.
Quy định số 57 xác định: Cao cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung và cao cấp; trang bị cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, toàn diện về chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tầm nhìn, tư duy chiến lược; nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao cấp lý luận chính trị đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn giáo trình và thời gian đào tạo lý luận chính trị phù hợp từng cấp và hướng dẫn thống nhất việc thực hiện nội dung, chương trình đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị.
Giai đoạn 2020 - 2024, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị có bước phát triển toàn diện cả về đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình; tổ chức tuyển sinh, quản lý hệ thống, tăng cường kỷ cương, kỷ luật học tập…
Học viện chủ động rà soát, sàng lọc các đối tượng tuyển sinh đảm bảo theo Quy định số 57; đồng thời là căn cứ để đánh giá tổng thể chất lượng các chương trình đào tạo lý luận chính trị và thiết kế, xây dựng chuẩn hệ thống chương trình đào tạo lý luận chính trị của Học viện.