Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tiếp xúc cử tri

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 28/11, đoàn công tác do ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã có cuộc tiếp xúc với cử tri các huyện Yên Bình và Trấn Yên.

Đồng chí Trần Quốc Vượng trao đổi với cử tri huyện Yên Bình. Ảnh: Đỗ Tuấn Anh/TTXVN

Trên tinh thần dân chủ, thắng thắn và cởi mở, cử tri huyện Trấn Yên đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội nâng mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đối với các xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn; nâng mức hỗ trợ khoán và bảo vệ rừng cho người dân, đồng thời cần có các chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương…

Cử tri huyện Yên Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách đặc biệt ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ việc sản xuất, tiêu thụ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; nâng định mức hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi cho các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…

Cử tri đánh giá cao công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII). Nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử công khai, đúng người, đúng tội đã góp phần tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Cử tri đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đáp ứng sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân.

Tiếp thu và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới trên tinh thần dân chủ, công khai, phát huy được vai trò và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; đồng thời mong muốn các cử tri khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Ông Trần Quốc Vượng đề nghị tỉnh Yên Bái có chính sách phát huy được tiềm năng thế mạnh của hồ Thác Bà; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn.

*Chiều 28/11, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri Quận 7.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri Quận 7. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đánh giá cao Kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến đất nước, đời sống người dân, đặc biệt là cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua, cử tri cho rằng đây là cơ hội tốt để Thành phố thực hiện các bước đột phá. Cử tri Dương Minh Châu (khu phố 2, phường Tân Hưng) đề nghị Quốc hội cần có ý kiến, đề xuất các giải pháp để ngành giao thông đầu tư, nâng cấp hoặc có cơ chế chính sách đặc thù phát triển ngành đường sắt.

Quan tâm đến các chính sách mời gọi đầu tư, cử tri Nguyễn Thanh Tòng (khu phố 4, phường Tân Hưng) cho rằng, cần bố trí mời gọi đầu tư hợp lý ở các vùng, miền, phù hợp với điều kiện nhân lực và tài nguyên. Bên cạnh đó, một số cử tri cũng cho rằng khi xây dựng Thành phố theo cơ chế phát triển đặc thù, cần cân nhắc việc tăng mức thu thuế, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cử tri cũng bày tỏ băn khoăn cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ gây sức ép về dân số cũng như sự phát triển của các tỉnh, thành lân cận.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi tiếp xúc, chia sẻ về Nghị quyết của Quốc hội đồng ý thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây sẽ là động lực mới thúc đẩy sự phát triển của thành phố nhưng điều này sẽ không gây ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khác.

Cơ chế đặc thù là để duy trì mức tăng trưởng của Thành phố cao hơn; đồng thời là cơ sở để Thành phố triển khai thực hiện thêm các cam kết về tăng năng suất lao động, ngân sách nhà nước và không làm ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách trung hạn cân đối của nhà nước. Do đó, cơ chế đặc thù của Thành phố chính là phát triển nhanh, bền vững hơn.

Trao đổi về vấn đề dân số, trong bối cảnh đô thị hóa, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định, một trong những giải pháp cho vấn đề này là xây dựng đô thị thông minh; trong đó, chú trọng nâng cao trình độ công nghệ, hỗ trợ công nghệ cao cho các tỉnh, thành cùng phát triển.

Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, Thành phố là nơi đầu tiên thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền, nhân dân Thành phố trong việc phòng chống thực phẩm bẩn. Việc truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm heo, gà, trứng cũng đã từng bước hoàn thiện nhằm đảm bảo chất lượng sống tốt hơn cho người dân.

* Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bắc Ninh đã tiếp xúc cử tri huyện Yên Phong và Thuận Thành.

Cử tri huyện Yên Phong và Thuận Thành đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Trung ương bổ sung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi một số loại đất, trong đó có quy định bồi thường một phần bằng đất dịch vụ để người dân có kế sinh nhai; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất cấy lúa sang làm mô hình VAC và cho phép sử dụng một phần diện tích tối thiếu để làm nhà ở nhằm phục vụ việc quản lý trang trại nhằm khắc phục tình trạng người dân bỏ hoang ruộng.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã tiếp thu ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và đề nghị các địa phương, đơn vị của huyện Yên Phong tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) để đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên; tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; phòng, chống tham nhũng lãng phí...

*Cũng trong ngày 28/11, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tiếp xúc cử tri tại huyện miền núi Nam Trà My và Bắc Trà My - hai địa phương thiệt hại nặng nề do mưa lũ vừa qua.

Cử tri kiến nghị Trung ương và tỉnh Quảng Nam hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm mặt bằng để dựng lại nhà, hỗ trợ kinh phí cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp đất đá do mưa lũ để kịp gieo trồng vụ lúa Đông Xuân, đầu tư xây dựng cầu để đảm bảo an toàn lưu thông trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị cần nâng mức thanh toán khi khám bệnh bằng bảo hiểm y tế, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đội ngũ cán bộ y tế thôn bản…


Trước thông tin không chính xác đập Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ trong đợt mưa lũ lớn vừa qua, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, cử tri huyện Nam Trà My và Bắc Trà My kiến nghị cần có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa Ban quản lý Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 với các xã, thôn ở xung quanh lòng hồ thủy điện để người dân chủ động nắm bắt thông tin.

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã làm rõ thêm những thắc mắc của cử tri, tiếp thu những ý kiến tại buổi tiếp xúc để tổng hợp theo nhóm vấn đề gửi tới Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng gửi lời chia sẻ, động viên nhân dân hai huyện sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

*Trong 2 ngày 27 - 28/11, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri tại 11 xã của huyện Kim Bôi và 2 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Cử tri 2 xã Cao Thắng và Cao Dương, huyện Lương Sơn kiến nghị lên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Vũ Thị Hà/TTXVN

Cử tri của các xã thuộc huyện Kim Bôi nêu lên một số ý kiến về việc Nhà nước nên ưu tiên nguồn vốn hoàn chỉnh về xây dựng các tuyến đường nông thôn, nội đồng, hệ thống thuỷ lợi nhằm đảm bảo phát triển kinh tế ổn định trong xây dựng nông thôn mới.

Các cử tri cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương hưu cho cán bộ xã, phường đã nghỉ hưu trước đây; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; xem xét việc đào tạo đại học theo nhu cầu xã hội, không mở rộng, chạy theo các ngành nghề đào tạo; nghiên cứu để tiêu chí bình xét hộ nghèo hoàn thiện, công bằng hơn trong việc đánh giá, xét tiêu chí hộ nghèo.

Tại huyện Lương Sơn, cử tri 2 xã Cao Thắng và Cao Dương kiến nghị Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của ngành trồng trọt, chăn nuôi; quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn hơn xây dựng hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, kịp thời sửa chữa, khắc phục các hạ tầng bị hư hại do trận mưa lớn đầu tháng 10 vừa qua gây ra; có biện pháp quyết liệt trong vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt sự nhũng nhiễu, gây phiền toái cho nhân dân và doanh nghiệp…

Ngoài ra, nhiều vấn đề bức xúc ở địa phương cũng được cử tri 2 xã của huyện Lương Sơn cũng kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện sớm cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nằm trong diện thu hồi đất để làm đường Hồ Chí Minh.

Những vấn đề cử tri 2 huyện Kim Bôi và Lương Sơn quan tâm tại buổi tiếp xúc đã được Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp thu để tổng hợp báo cáo trình lên Quốc hội và kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri tại Thái Nguyên
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri tại Thái Nguyên

Ngày 12/10, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tại xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN