Nhiệm kỳ khóa XIV, công tác lập pháp đã được đẩy mạnh, tập trung nâng cao chất lượng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.
Phục vụ việc thực hiện các đột phá chiến lược
Hoàn thiện đồng bộ thể chế được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Là nhiệm vụ xương sống trong hoạt động của mình, có thể khẳng định, nhiệm kỳ Quốc hội XIV đã tiếp tục làm tốt công việc này. Con số ấn tượng 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Các luật được ban hành không chỉ đáp ứng đòi hỏi từ thực tế, phục vụ đắc lực, tạo nền tảng cơ bản để vận hành xã hội phát triển, mà còn phù hợp và mở ra những cơ hội để Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tiến sỹ Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, công tác lập pháp đã phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XII của Đảng quyết định. Theo đó, phục vụ cho đột phá chiến lược thứ nhất về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Quốc hội khóa XIV đã ban hành các Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Quản lý nợ công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...
Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành các Luật An ninh mạng, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức... nhằm phục vụ cho đột phá chiến lược thứ hai về phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ.
Phục vụ đột phá chiến lược thứ ba về huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Quốc hội đã ban hành các Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đường sắt, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Đo đạc bản đồ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều...
Phục vụ nhiệm vụ chiến lược bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Quốc hội đã ban hành các Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh vệ, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật An ninh mạng, Luật Biên phòng Việt Nam... Phục vụ cho nhiệm vụ tăng cường hoạt động đối ngoại, Quốc hội đã ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài...
“Có thể nói, tiếp nối các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV đã góp phần đắc lực hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng, thực hiện pháp luật; phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế...”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh chỉ rõ.
Kịp thời giải quyết vướng mắc trong thực tiễn
Điểm đáng chú ý trong công tác lập pháp nhiệm kỳ qua là có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong cuộc sống.
“Ví dụ, nghị quyết của Quốc hội về thí điểm giải quyết nợ xấu chúng ta cũng sửa đổi, bổ sung nhanh một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, góp phần xử lý việc rất nhức nhối trong xã hội là khoản tiền không thu được. Nghị quyết về một số chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhanh và trách nhiệm. Các dự án này khi thảo luận có ý kiến rất khác nhau, nhưng về cơ bản trình Quốc hội đều được thông qua với tỷ lệ cao”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dẫn chứng.
Trong bối cảnh tỷ lệ tai nạn giao thông mà nguyên nhân liên quan đến sử dụng rượu bia tăng cao, việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 là minh chứng cụ thể cho thấy, những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bám sát thực tiễn cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng Luật vì xung đột lợi ích, tuy nhiên dự án Luật đã được các đại biểu biểu quyết thông qua với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân. Quy định “Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" được cử tri đồng tình cao bởi sẽ xử lý nghiêm minh người vi phạm, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.
Công tác xây dựng pháp luật đã tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế, tạo đà cho doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ này, những đạo luật quan trọng được Quốc hội ban hành như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)... đã khẳng định, Quốc hội, Chính phủ luôn lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn bằng việc cải cách thể chế, qua đó cải thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Từ đó, đội ngũ doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, tổng số doanh nghiệp trong cả nước đã tăng gấp 1,5 lần chỉ trong 5 năm.
Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, phù hợp với lợi ích quốc gia, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điều ước quốc tế quan trọng đã được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Đây là hai Hiệp định quan trọng, được ví như “tuyến đường cao tốc” quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Từ đây, người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt, doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông - Tây, mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á - Âu và toàn cầu.
Đặt lợi ích quốc gia, nhân dân lên trên hết
Có thể nói, Quốc hội khóa XIV đã làm tròn bổn phận trước nhân dân. Nhất là trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thông qua những đạo luật bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chia sẻ những tâm tư với mong muốn Quốc hội nhiệm kỳ sau làm tốt hơn nữa, đặc biệt tiếp tục nâng cao công tác lập pháp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong 72 luật được thông qua thì hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung; điều đó cho thấy tuổi thọ của luật còn hạn chế. “Đã là luật thì phải mang tính ổn định, lâu dài, lúc đó nhà đầu tư mới có thể quyết định đầu tư dài hạn. Các cơ quan hành pháp khi thực hiện phải cập nhật liên tục và đôi khi có những thách thức trong việc triển khai thực thi. Thậm chí có những luật mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống đã phải bổ sung, sửa đổi. Một số luật quan trọng nhưng chậm sửa đổi, chậm ban hành mà năm nào khi tiếp xúc cử tri cũng nhắc đến, đó là Luật Đất đai...”, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng.
Theo đại biểu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt, nhưng đâu đó, ở các địa phương còn đang lúng túng, khi các văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, chưa dám thực hiện. Ngoài ra, đầu tư cho công tác lập pháp, kể cả đầu tư về nguồn nhân lực, tài chính còn rất hạn chế. Quy trình soạn thảo cũng cần chuyên nghiệp hơn, phải huy động được nhiều luật gia, nhà nghiên cứu tham gia, phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên hết.
“Một dự án đầu tư, chúng ta có thể bấm nút quyết định chi cả trăm ngàn tỷ đồng nhưng chỉ cần vướng hoặc vênh bởi các luật, dự án đó dở dang, chậm triển khai thì sẽ đội vốn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng; thậm chí có những dự án đội gấp 3 lần. Đó là do hệ thống luật chưa đồng bộ, chồng chéo. Như vậy, chúng ta đầu tư cho việc xây dựng luật pháp này có thể vài tỷ đồng, xứng đáng với quá trình nghiên cứu, làm luật, để luật đi vào cuộc sống thì hiệu quả hơn là khi ban hành luật còn thiếu để rồi các dự án đầu tư chậm triển khai, đội vốn...”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) băn khoăn, nếu rà soát thật kỹ tất cả các quy định, có thể nhận thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách, tức là cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức cá nhân nhất định.
Dẫn chứng về các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật, đại biểu chỉ rõ, trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả. Hiện nay, vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong 72 đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua, có đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị quan tâm đến chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật; đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Quốc hội cần nâng cao hoạt động thẩm tra; hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Ngoài ra, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình "cài cắm" vào quy định của pháp luật, những quy định để trục lợi cá nhân. Đặc biệt, sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, làm minh bạch hóa tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.
Những đóng góp của hoạt động lập pháp khóa XIV trên lĩnh vực xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền công dân, quyền con người… là dấu mốc lịch sử quan trọng trong thành tựu 75 năm qua của Quốc hội Việt Nam; góp phần đưa đất nước vững bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài 3: Giám sát chặt, tạo chuyển biến thực tế