Qua đó, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Những công trình trọng điểm – điểm tựa để bứt phá
Trong giai đoạn 5 năm, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án, công trình quan trọng quốc gia, như các dự án thành phần của dự án xây dựng… Đây đều là những quyết sách có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo đột phá cho dài hạn.
Tại Kỳ họp thứ 4, ngày 22/11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đôngc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ý nghĩa của dự án là nhằm giải thoát “điểm nghẽn” hạ tầng vận tải Bắc - Nam; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, tạo “cú hích” cho thông thương với dự kiến trên 45,37 triệu lượt hành khách và 62,27 triệu tấn hàng hóa hằng năm…
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã gặp phải một số vướng mắc, khó khăn nhưng Quốc hội đã kịp thời tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa tuyến đường bộ huyết mạch Bắc - Nam sớm trở thành hiện thực. Theo đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 117/2020/QH14 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư ba dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước. Ngày 30/9/2020, ba dự án thành phần đã chính thức khởi công.
Đánh giá về tầm quan trọng của sự kiện này, khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, chưa có giai đoạn nào, Quốc hội, Chính phủ lại tập trung ý chí và quyết tâm cao để hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, trong đó ưu tiên các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông như hiện nay. Bộ Giao thông vận tải cũng chưa thời kỳ nào triển khai đầu tư một tuyến cao tốc dài đến 654km nằm rải đều ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Bộ luôn nhận thức rõ đã đến giai đoạn cần tập trung phát triển đường cao tốc, bởi chỉ có đường cao tốc mới giúp cho kinh tế phát triển.
Theo Bộ trưởng, khi dự án cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, Việt Nam sẽ có được tuyến đường cao tốc tốt nhất đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam.
Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với nhiều tuyến quốc lộ, khu vực xung quanh tuyến đường cao tốc, các địa phương có thể xem xét để quy hoạch lại khu kinh tế, khu công nghiệp, dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển kinh tế, tạo nguồn công ăn việc làm. “Về lâu dài, cao tốc Bắc - Nam sẽ tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các địa phương”, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Cùng với dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội, sự ủng hộ của cử tri với mong muốn xây dựng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, vì diện tích đất cần thu hồi là quá lớn (khoảng 5000 ha) và số tiền để đền bù giải phóng mặt bằng lên đến hơn 23.000 tỷ đồng nên Quốc hội đã cho phép tách ra thành một dự án thành phần để không ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Phân tích về sự linh hoạt trong việc triển khai dự án đặc biệt quan trọng này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) chỉ rõ, thông thường, việc giải phóng mặt bằng phải nằm trong dự án. Tuy nhiên, Chính phủ linh hoạt, tách riêng nội dung này thành một dự án độc lập và đây cũng là dự án quan trọng quốc gia với số tiền đền bù rất lớn. Trong thời gian ngắn, Chính phủ trình Quốc hội và Quốc hội đồng ý, đây là sự phối hợp rất nhịp nhàng. Đến nay đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 là giải phóng xong mặt bằng, để bàn giao cho nhà đầu tư.
Tập trung, không dàn trải
Đề cao việc bảo đảm tính tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách như: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm...
Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 -2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách. Ở các cấp quốc gia, bộ, ngành trung ương và địa phương, đây được coi là cải cách lớn nhất. Quy định này nhằm khắc phục tồn tại của việc tách biệt trong quản lý chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, vốn có xu hướng đầu tư công quá mức và dàn trải, thực hiện đầu tư công không gắn kết với khả năng ngân sách; từng bước khắc phục tình trạng chuẩn bị đầu tư sơ sài, kém chất lượng.
Phát biểu tại phiên họp thứ 54 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, với cách làm mới như Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020… đã bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch, có sự kiểm soát của 63 đoàn đại biểu Quốc hội, chống được hiện tượng xin - cho hay những điều trước đây cử tri, nhân dân chưa hài lòng.
Một quyết sách quan trọng trong nhiệm kỳ qua là Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8), việc ban hành Nghị quyết số 120 đã khẳng định quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê đánh giá, Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 là hai chương trình lớn, toàn diện, thể hiện rõ tính tập trung, không dàn trải, phù hợp với tâm nguyện của đồng bào.
Quốc hội, Chính phủ dự kiến nguồn vốn lớn nhất từ trước đến nay để đầu tư thực hiện Chương trình nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong 10 năm tới. Nếu làm tốt chương trình này, đồng bào không chỉ có cần câu mà còn có cả ao cá, giống cá nhằm thay đổi kế sinh nhai, nâng cao đời sống, thu hẹp chênh lệnh với các vùng miền khác.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê khẳng định, với tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt, tỉnh sẽ tận dụng cơ hội, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ở địa phương, chắc chắn sẽ đem lại đổi thay cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Kịp thời ứng phó trước thực tế
Thực tế hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ qua cho thấy, mọi vấn đề đều được xem xét một cách thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh. Nhờ vậy, các quyết định có tính chính xác cao hơn, tạo sự đồng thuận, giúp công tác chỉ đạo điều hành thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với ý nguyện của nhân dân. Quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một ví dụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lý giải, trong bối cảnh cần tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, tránh những rủi ro trong quá trình vận hành hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, quyết định dừng đầu tư rất quan trọng nhằm đảm bảo sự bền vững của môi trường.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nhận định, việc dừng chủ trương đầu tư hai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã giúp tỉnh những năm qua chuyển mình, thay đổi diện mạo địa phương, đứng top đầu tăng trưởng trong 2 năm gần đây. Ninh Thuận ngày càng thể hiện là một trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, một trung tâm du lịch vùng trọng điểm được đưa vào quy hoạch của quốc gia về du lịch.
Nhiều quyết sách quan trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ cũng được Quốc hội quyết định trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong năm 2020. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, phiên họp bất thường ngày 8/4/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Việc ban hành Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp cũng là một trong những quyết sách của Quốc hội tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, rất khó trụ vững, duy trì và phát triển. Nhiều doanh nghiệp không có lợi nhuận. Do đó, đây là chủ trương đúng đắn để hỗ trợ cho khu vực này.
Cùng với những thành tựu hết sức quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát, những quyết định quan trọng trong nhiệm kỳ khóa XIV đã góp phần ghi dấu ấn về hoạt động của Quốc hội trong lòng cử tri và nhân dân về một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Đây cũng là tiền đề giúp Quốc hội khóa tới đưa ra những quyết định sát thực hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích chung của đất nước, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Bài cuối: Gắn bó mật thiết với dân và vì dân