Theo dõi diễn biến, nội dung Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa XIII), Bí thư Đảng ủy xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) Phùng Xì Che đánh giá, nội dung Hội nghị nhận định khách quan về tình hình phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng vào những giải pháp mà Hội nghị đưa ra để thực hiện các kế hoạch trong thời gian tới.
Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2021 nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trên 5,64%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 58,2% so với dự toán, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020; hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển... Có được kết quả ấy, trước hết là do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Đặc biệt, ông Phùng Xì Che đánh giá cao về phát biểu khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị. Theo đó, Tổng Bí thư đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức do dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm hơn trước và tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục được bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về các vấn đề lớn, quan trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cần kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xóa bỏ cơ chế "xin - cho"; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công; đặt kế hoạch đầu tư công trong tổng thể kế hoạch đầu tư chung của toàn xã hội; đầu tư công phải thực sự có trọng tâm, trọng điểm, dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của mọi thành phần kinh tế…
Tuy nhiên, ông Phùng Xì Che cũng nêu một số ý kiến, kiến nghị, đề xuất với Trung ương như: Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, thì thực hiện đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Vì vậy, Trung ương cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, chống tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công và nhất là phải xóa bỏ cơ chế "xin - cho". Đối với những địa phương miền núi, biên giới cần quan tâm hơn nữa, có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế, nhất là chính sách đầu tư về hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trường học, trạm y tế. Đồng thời, Trung ương tiếp tục nâng mức độ cao hơn trong phòng, chống dịch và sớm đẩy mạnh việc toàn dân được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19.
Là Bí thư Chi bộ bản Tổng Pịt, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), ông Lý Văn Hom luôn dõi theo diễn biến, kết quả của Hội nghị và rất phấn khởi, tin tưởng vào những quyết sách của Đảng. Liên quan đến các giải pháp xây dựng Đảng, ông Hom cho rằng, các quy chế, quy định mới của Đảng đã bám sát Điều lệ Đảng, kế thừa những nội dung cốt lõi của các quy chế, quy định của các khóa trước; đồng thời bổ sung, sửa đổi một số nội dung phù hợp với tình hình thực tế. Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm Trung ương đã quy định rõ hơn các vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên.
Về công tác cán bộ, Trung ương luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về kiện toàn một bước cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; công tác cán bộ được chuẩn bị bài bản, chặt chẽ, thận trọng, theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ.
Tuy nhiên, ông Hom mong muốn Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo các địa phương tích cực đầu tư đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt đảng; phát huy ý thức trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng và thực hiện nghị quyết của đảng bộ, chi bộ, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số tại các thôn bản, bởi đây là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng.