Đại sứ Việt Nam tại Iran: Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng

Tờ Thời báo Tehran (Iran) số ra mới đây có đăng bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch nhân ngày Quốc khánh 2/9 của Việt Nam, trong đó có đề cập tới nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại và quan hệ song phương Việt Nam - Iran.

 

Ảnh bìa 1 tờ báo.

Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:


Dịp 2/9 hàng năm, Việt Nam đều tổ chức ngày Quốc khánh, xin ngài Đại sứ cho biết ý nghĩa của ngày này?


71 năm trước, vào 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với quốc gia chúng tôi, đánh dấu chiến thắng của dân tộc Việt Nam sau gần 100 năm đấu tranh giành độc lập từ chủ nghĩa thực dân, mở ra một chương mới cho nhân dân và đất nước Việt Nam, mở ra thời đại của độc lập và tự do.

Hàng năm, chúng tôi kỉ niệm ngày Quốc khánh để tưởng nhớ tới những thế hệ người Việt Nam đã hi sinh tính mạng để đổi lấy độc lập dân tộc, cũng như để nhắc nhở cho thế hệ trẻ hiện nay về trách nhiệm làm hết sức mình vì sự phồn vinh của đất nước.

Năm nay, ngày Quốc khánh còn ý nghĩa hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam kỉ niệm 30 năm Đổi Mới, nhằm nhìn lại những gì chúng tôi đã đạt được trong 3 thập kỉ qua.


Sau 71 năm độc lập, Việt Nam đã có thay đổi gì so với quá khứ?


Năm nay, Việt Nam kỉ niệm 30 năm Đổi mới – một cuộc cải cách kinh tế sâu rộng được khởi xướng từ năm 1986. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi đã giành được nhiều thành tựu to lớn. Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển mình từ một nước kém phát triển trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, đẩy mạnh quá trình công nghiệp quá, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới. Nền kinh tế của chúng tôi đã và đang phát triển với tốc độ cao trong 30 năm qua. Ngày nay, Việt Nam tự hào có được một nền chính trị - xã hội ổn định; bên cạnh đó, quốc phòng – an ninh ngày càng vững mạnh, đời sống người dân được nâng lên đáng kể so với quá khứ. Quan hệ của Việt Nam với các nước ngày được mở rộng và đi vào chiều sâu, uy tín Việt Nam trên trường Quốc tế được nâng cao.


Đánh giá của Đại sứ về quan hệ Việt Nam - Iran hiện nay?


Tôi rất vui mừng thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Iran đã không ngừng phát triển trong suốt 43 năm qua. Cả hai quốc gia luôn ủng hộ nhau trong những hội nghị quốc tế, đồng thời thường xuyên cử các đoàn công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm trong những lĩnh vực thế mạnh của mỗi bên.Đặc biệt, tháng Ba vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Iran. Lãnh đạo hai nước đã bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ dựa trên cơ sở lợi ích chung. Mục tiêu 2 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương đặt ra hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta thực sự cố gắng. Nhóm công tác của hai bên đã gặp nhau vào tháng Sáu để thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác song phương. Chúng tôi cũng rất phấn khởi khi chứng kiến nhiều đoàn đại biểu qua lại giữa hai bên trong nhiều năm qua, thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm như kinh tế, văn hóa hay du lịch. Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Iran vẫn còn rất lớn.


Cần phải nhấn mạnh rằng Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), đạt được giữa Iran và nhóm P5+1, đã tạo ra xung lực mới đối với hợp tác giữa hai nước chúng ta. Các biện pháp cấm vận đối với Iran đã được dỡ bỏ, mở đường cho hợp tác giữa Việt Nam và Iran có bước nhảy vọt trong thời gian tới.


Đại sứ nhận định gì về các cam kết quốc tế của Việt Nam trong tương lai?


Từ đầu thập niên 90, chúng tôi đã đưa ra chính sách ngoại giao rõ ràng: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Kể từ thời điểm đó, Việt Nam đã tiến hành bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước cựu thù, đồng thời thiết lập mối quan hệ bang giao với hầu hết các quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Chúng tôi duy trì quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với toàn bộ 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.


Việt Nam đã và đang tham gia nhiều diễn đàn cả trên quốc tế lẫn ở khu vực, đồng thời luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong bất cứ tổ chức nào mà chúng tôi tham dự.Việt Nam cũng đồng thời có mặt ở nhiều tổ chức kinh tế khu vực cũng như quốc tế.Bởi vậy, hội nhập quốc tế giờ đây trở thành khẩu hiệu mới trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, cả ở mức độ khu vực và thế giới.


Đại sứ có thể đánh giá những thách thức chính của Việt Nam hiện nay và tương lai?


Mặc dù đạt được rất nhiều thành tựu sau 30 năm Đổi Mới, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cả các vấn đề đối nội và đối ngoại. Trong nước, chúng tôi phải giải quyết bài toán phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững theo hướng phát triển ‘xanh’, qua đó đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi phải bảo vệ nền kinh tế còn non trẻ trước những biến động không ngừng của kinh tế thế giới, trong khi vẫn tận dụng mọi cơ hội trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế.

Về đối ngoại, mặc dù các mối quan hệ sâu rộng trên khắp thế giới tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển ngày một nhanh hơn, chúng tôi đồng thời phải chấp nhận những nguy cơ toàn cầu như an ninh, khủng bố, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, ô nhiễm môi trường…

Đặc biệt, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Quần đảo Hoàng Sa và một số hòn đảo, bãi đá ở Quần đảo Trường Sa, nơi mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, đã bị chiếm đóng. Chúng tôi kiên quyết sử dụng các biện pháp hòa bình để lấy lại những hòn đảo này. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Gần đây, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hague đã ra phán quyết Đường Chín đoạn mà Trung Quốc cho là vùng nước lịch sử của mình là hoàn toàn không có hiệu lực. Tuyên bố trên là bước tiến quan trọng đối với tình hình an ninh ở Biển Đông. Việt Nam hoan nghênh phán quyết trên của Tòa PCA, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng và thực hiện theo phán quyết khách quan và công bằng của Toà Trọng tài nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
MN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN