Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Bùi Quốc Phòng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng, quy định tại Khoản 1, Điều 24 về Lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm: Lực lượng vũ trang nhân dân gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ. Theo đại biểu Bùi Quốc Phòng, nên cân nhắc bổ sung công an xã vào lực lượng vũ trang nhân dân.
“Hiện nay công an xã là lực lượng quan trọng trong giữ gìn an ninh đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương, do vậy, đưa lực lượng công an xã vào lực lượng công an nhân dân mới đầy đủ”, đại biểu kiến nghị.
Cũng tại quy định tại điều này, Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc nhân dân, Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm 2 từ huấn luyện trước từ sẵn sàng chiến đấu. Vì huấn luyện đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cũng theo đại biểu Bùi Quốc Phòng, quy định tại dự thảo Luật về giáo dục quốc phòng an ninh, là điều cần thiết và quan trọng, việc giáo dục lịch sử, lòng yêu nước, tri thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, trong đó có học sinh, sinh viên, người học trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân...
"Quy định như dự thảo luật là cần thiết, tuy nhiên, đối tượng là học sinh tiểu học, nhất là các cháu học sinh lớp 1 đã phải học môn chính khóa này, tôi cho là quá sớm, bởi các cháu còn quá nhỏ để hiểu biết về quốc phòng và an ninh. Mặc dù những kiến thức với các cháu chưa yêu cầu cao, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định giáo dục quốc phòng an ninh cho các cháu học sinh tiểu học”, đại biểu kiến nghị.
Đổi mới trang bị quốc phòng
Theo Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái), việc xây dựng Luật theo hướng luật khung, mang tính định hướng về công tác quốc phòng nhưng cần bổ sung thêm quan điểm sửa đổi Luật Quốc phòng lần này phải theo hướng xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trong mọi tình huống.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Giàng A Chu phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
“Như vậy thì nhiệm vụ quốc phòng, yêu cầu của quốc phòng cần phải trang bị như thế nào thì đất nước phải đáp ứng, xóa bỏ quan điểm xin-cho như hiện nay, cần tập trung vào xây dựng đội quân vững mạnh", đại biểu kiến nghị.
Cũng theo đại biểu, đổi mới trang bị cho quân đội phải phù hợp xu thế, nên trang bị máy bay trực thăng cho 1 số đơn vị binh chủng và quân khu để khi có tình huống thì đội cơ động nhanh thực hiện xử lý ban đầu sau đó bàn giao đội quân tiếp quản.
Cùng với đó, đại biểu Giàng A Chu cho rằng, quân số cũng là quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn nhiều. Do đó, cần phải xây dựng 1 lực lượng đặc nhiệm đặt ở các quân chủng, binh chủng và khi có tình huống có thể chỉ cần lực lượng tinh nhuệ này cũng đã xử lý được tình huống. Về trang bị cho quân đội cũng phải đổi mới, muốn đảm bảo lực lượng mạnh thì phải đáp ứng đúng yêu cầu, phù hợp với xu thế hiện nay.