Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cùng hơn 350 kiều bào tiêu biểu đang ở Việt Nam.
Hội nghị nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị của các cấp ủy Đảng, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, chủ trương và các biện pháp lớn về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn tới. Đây cũng là dịp để tăng cường hợp tác và phối hợp trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Củng cố niềm tin
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, Chỉ thị 45-CT/TW đã được tiến hành đồng bộ, rộng rãi cả ở trong và ngoài nước, góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên tất cả các mặt. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2015, đến nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vai trò, vị thế và uy tín của kiều bào ngày càng được nâng cao.
Cùng với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD. Trong 5 năm, từ 2015-2019, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD. Kiều bào luôn đồng hành, hưởng ứng tích cực, tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh.
Nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối trí thức người Việt tại địa bàn đóng góp cho các vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Nhiều doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã liên kết, thúc đẩy thương mại, đưa hàng hóa trong nước ra thị trường quốc tế, quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước tới bạn bè thế giới. Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi kiều bào ngày càng được củng cố và tăng cường.
Để tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 36-CT/TW và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Kết luận về việc tiếp tục triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ ban hành "Chương trình hành động về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026".
Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của kiều bào
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Đặc biệt, sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp quan trọng của kiều bào với đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị.
Trong 5 năm qua việc quán triệt và triển khai Chỉ thị 45-CT/TW đã được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ. Chủ trương "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam" đã đi vào cuộc sống. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là một trụ cột trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thường xuyên gặp gỡ bà con kiều bào; đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt ở sở tại.
Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho kiều bào. Công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được cải tiến với hình thức ngày càng đa dạng, nội dung phong phú và thiết thực. Việc phát huy nguồn lực của kiều bào được chú trọng, đặc biệt đã bắt đầu khai thông tiềm năng nguồn lực kiều bào trẻ. Cơ chế phản hồi đối với những góp ý, sáng kiến của kiều bào bước đầu được thiết lập. Công tác dạy và học tiếng Việt, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc đã đạt được những kết quả tích cực.
Các chính sách về bảo hộ công dân được triển khai quyết liệt thời gian qua cũng góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", Đảng và Nhà nước quan tâm, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tổ chức 190 chuyến bay đưa hơn 53.000 công dân mắc kẹt, những người có hoàn cảnh khó khăn từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Kết quả chống dịch ở trong nước cùng với sự quan tâm đối với đồng bào ta ở nước ngoài đã khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nêu rõ, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn những mặt hạn chế như việc ban hành một số chính sách, quy định, hướng dẫn còn chậm; triển khai một số chính sách, biện pháp chưa đồng bộ, kịp thời; kết quả vận động, thu hút nguồn lực kiều bào chưa tương xứng với tiềm năng… Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, đất nước bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021-2030) với yêu cầu cao hơn về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ đối ngoại sẽ ngày càng nặng nề hơn. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc hơn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận sâu một số nội dung về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị 45-CT/TW và Nghị quyết 36-CT/TW của Bộ Chính trị; làm rõ vai trò kết nối, gắn kết kiều bào với quê hương; kiến nghị biện pháp khả thi để sửa đổi, bổ sung quy định, tạo thuận lợi hơn cho kiều bào, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào ta ở nước ngoài.
Song song với việc thảo luận về hoàn thiện quan điểm chỉ đạo và cơ chế chính sách, Hội nghị cũng cần đánh giá tiềm năng, thế mạnh của kiều bào trong điều kiện mới, từ đó đưa ra giải pháp nhằm đẩy mạnh, thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ trí thức, chuyên gia ở các lĩnh vực mũi nhọn. Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu bàn kỹ về việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các cơ chế về tập hợp, lắng nghe và phản hồi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của kiều bào đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và hoạch định chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm tới…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tin tưởng rằng Hội nghị sẽ phát huy trí tuệ, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, đưa ra nhiều kiến nghị về chủ trương, chính sách lớn và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam" và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng 5 cá nhân vì có thành tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành ngoại giao Việt Nam. Có 33 tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vì đã có thành tích trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020.
Sau phiên Khai mạc, theo chương trình, chiều 27/11, tại Hội nghị sẽ diễn ra 3 phiên chuyên đề nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tập hợp ý kiến đóng góp của kiều bào, của các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện, tổ chức chính trị - xã hội; từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.