Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung phỏng vấn:
Xin Thứ trưởng cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm chính thức Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vừa diễn ra?
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương Quốc Đan Mạch Mette Frederiksen và Thủ tướng Vương quốc Na Uy Gahr Store, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã thăm chính thức Vương Quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy từ ngày 20 - 25/11/2023. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Phó Chủ tịch nước Việt Nam tới Đan Mạch và Na Uy, có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam cũng như hai nước, vừa là cơ hội để củng cố quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống, vừa tăng cường hợp tác trong bối cảnh mới với những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới cũng như yêu cầu phát triển của mỗi nước.
Trước hết, chuyến thăm là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra về độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác toàn diện, đối tác truyền thống. Thông qua chuyến thăm, chúng ta thể hiện sự coi trọng đối với Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy, hai quốc gia bạn bè hữu nghị tại Bắc Âu đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Thứ hai, chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với Đan Mạch và Na Uy, hai nước có bề dày hơn 50 năm quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Đan Mạch kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối thoại chiến lược Xanh. Với Na Uy, đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau gần 5 năm.
Chuyến thăm thể hiện quyết tâm của Việt Nam và hai nước trong việc mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, khai thác lợi thế và đáp ứng nhu cầu của nhau; đồng thời củng cố cơ sở hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Chuyến thăm cũng thể hiện sự quan tâm và chăm lo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với kiều bào với trên 23 nghìn người ở Na Uy và trên 16 nghìn người ở Đan Mạch, là bước triển khai thực hiện Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Xin Thứ trưởng cho biết những diễn biến quan trọng và kết quả đã đạt được qua chuyến thăm? Chuyến thăm đã có những đóng góp gì cho sự phát triển quan hệ Việt Nam với Đan Mạch và Na Uy?
Với lịch trình hoạt động phong phú, nội dung trao đổi thiết thực, Phó Chủ tịch nước đã hội đàm với Thủ tướng, hội kiến Hoàng gia và Chủ tịch Quốc hội, tiếp một số Bộ trưởng và lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu, thăm một số cơ sở văn hóa, tặng sách, đến thăm làm việc với Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện kiều bào tại hai nước. Có thể khẳng định chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt các mục đích và yêu cầu đề ra, mang lại những kết quả rất tích cực, cụ thể, thiết thực về nhiều mặt. Nổi bật là:
Thứ nhất, chuyến thăm góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa Việt Nam với Đan Mạch và Na Uy. Hoàng gia và Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cả hai nước đều dành cho Phó Chủ tịch nước và đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình; nhiều lần nhấn mạnh tình cảm đặc biệt đối với đất nước, con người Việt Nam cũng như đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và vị thế quốc tế của Việt Nam. Hai nước đều khẳng định coi trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách hướng đến khu vực; nhất trí trên nền tảng của quan hệ hợp tác tốt đẹp sẽ tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao; phát huy vai trò của các khuôn khổ và cơ chế hợp tác song phương; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức khu vực và quốc tế; mong muốn Việt Nam ủng hộ tăng cường quan hệ của hai nước với ASEAN. Qua các cuộc tiếp xúc, hai bên cũng chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Tại Na Uy, hai bên đã ra thông cáo báo chí chung thể hiện sự nhất trí cao giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực hợp tác.
Thứ hai, chuyến thăm tạo xung lực mới cho hợp tác giữa Việt Nam và hai nước trên lĩnh vực trụ cột là kinh tế - thương mại - đầu tư. Phó Chủ tịch nước cùng Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí đánh giá hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư có nhiều dư địa để phát triển; khẳng định tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực mà Đan Mạch và Na Uy có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu như năng lượng tái tạo, kinh tế biển, môi trường, công nghiệp chế tạo… Lãnh đạo Đan Mạch nhất trí phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); thúc đẩy ủng hộ việc EC gỡ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Lãnh đạo Na Uy ủng hộ sớm kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA.
Các tập đoàn hàng đầu của hai nước (CIP, Vestas, Lego… của Đan Mạch và Equinor, Eagle Technology, Stena Recycling… của Na Uy) đều cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, là những quốc gia có thế mạnh về khoa học - công nghệ, kinh nghiệm về phát triển năng lượng tái tạo, đi đầu trong ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là những bên quan trọng tham gia khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế, cả Đan Mạch và Na Uy đều ủng hộ Việt Nam trong quá trình triển khai JETP và thực hiện các cam kết đưa ra tại COP 26 về đưa phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế chính sách, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Đan Mạch và Việt Nam sẽ ưu tiên sớm triển khai cụ thể khuôn khổ Đối tác Chiến lược Xanh. Na Uy và Việt Nam cũng sẽ phối hợp nghiên cứu khả năng xây dựng những khuôn khổ hợp tác mang tính chiến lược trong các lĩnh vực kinh tế biển bền vững, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo.
Thứ tư, chuyến thăm đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa ta với hai nước trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, giao lưu nhân dân. Nhân chuyến thăm, Bộ Y tế Việt Nam và Đan Mạch đã trao Bản ghi nhớ về hợp tác Y tế. Hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Na Uy cũng thống nhất sớm ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao.
Thứ năm, trong trao đổi với Lãnh đạo Đan Mạch và Na Uy, Phó Chủ tịch nước đều đề nghị nước sở tại tạo thuận lợi về các điều kiện sinh sống, học tập, làm việc đối với cộng đồng người Việt Nam tại hai nước. Lãnh đạo hai nước đánh giá cộng đồng người Việt hội nhập rất tốt, có đóng góp tích cực cho sở tại cũng như quan hệ song phương. Phó Chủ tịch nước đã lắng nghe những tâm tư, tình cảm của bà con tại các cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt ở cả hai nước, hoan nghênh cộng đồng đã phát huy phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, đoàn kết, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại, trở thành cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với hai nước. Phó Chủ tịch nước cũng chỉ đạo các Đại sứ quán Việt Nam ở hai nước tiếp tục phát huy vai trò tuyến đầu trên mặt trận đối ngoại, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những vấn đề cần thúc đẩy trong quan hệ song phương, duy trì và phát triển quan hệ chặt chẽ, ứng xử tốt với chính quyền sở tại, đồng thời phả là địa chỉ tin cậy của bà con kiều bào, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, khuyến khích bà con hướng về quê hương, đất nước.
Tóm lại, chuyến thăm chính thức Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã thành công tốt đẹp. Trên cơ sở kết quả đạt được trong chuyến thăm, các bộ, ban, ngành liên quan mỗi nước sẽ tiếp tục phối hợp, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Đan Mạch và Na Uy phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của người dân, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai châu lục và trên thế giới.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.