Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch Soren Gade nhiệt liệt chào mừng Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Đan Mạch và tin tưởng rằng chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước sẽ tạo thêm xung lực mới cho quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch bày tỏ ấn tượng trước thành tựu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế năng động của Việt Nam và khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng hàng đầu của Đan Mạch tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong không khí trao đổi cởi mở và chân thành, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ vui mừng tới thăm đất nước Đan Mạch vào thời điểm kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện với Đan Mạch. Phó Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò của Quốc hội Đan Mạch trong việc thông qua các chính sách giúp Đan Mạch tăng trưởng nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, đảm bảo an sinh - xã hội cũng như sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội Đan Mạch đối với việc củng cố và phát triển quan hệ song giữa hai nước, trong đó có việc Quốc hội Đan Mạch đã thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vào năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch Soren Gade và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhất trí đánh giá quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Đan Mạch thời gian qua phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp nhằm gia tăng tin cậy chính trị; triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác cũng như phát huy các tiềm năng và thế mạnh của hai bên để thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư và các lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Quốc hội Đan Mạch ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Phó Chủ tịch Soren Gade cho biết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trao đổi với các cơ quan của EU về vấn đề này.
Hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc sớm triển khai Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch vừa được hai Thủ tướng thông qua, cũng như hợp tác hiệu quả nhằm triển khai Tuyên bố về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và nhóm các đối tác quốc tế, đặc biệt về xây dựng thể chế, cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Khẳng định quan hệ liên nghị viện hai nước là kênh hợp tác quan trọng, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Đan Mạch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch nhất trí việc hai bên tiếp tục thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, phối hợp giữa Quốc hội hai nước, tăng cường trao đổi đoàn lãnh đạo Quốc hội và các ủy ban, nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ mời Ngài Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch thăm Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch ghi nhận tích cực những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam sinh sống và hoà nhập ở sở tại, góp phần là cầu nối giúp củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch Soren Gade nhất trí cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng phù hợp với luật pháp quốc tế. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch Soren Gade cũng nhất trí hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, cũng như trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) tại Việt Nam vào năm 2025.
* Trong ngày 21/11 (theo giờ địa phương), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP). Thành viên Hội đồng sáng lập Chrristina G. Sorensen cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của CIP đã chào mừng Phó Chủ tịch nước đến thăm tập đoàn.
Tại cuộc gặp, thành viên Hội đồng sáng lập Christina G. Sorensen và các lãnh đạo cao cấp của CIP đã giới thiệu những thông tin cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn cũng như các dự án điện tái tạo, năng lượng xanh hiện tập đoàn đang triển khai trên khắp thế giới. Các lãnh đạo CIP cho biết châu Á hiện là thị trường phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất và Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của CIP. Tập đoàn CIP rất ấn tượng trước những kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng xanh của Việt Nam và tin tưởng CIP cùng các dự án điện gió ngoài khơi của tập đoàn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các lãnh đạo CIP mong Việt Nam sớm hoàn thiện khung chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, cho phép CIP tiến hành khảo sát thực địa để sớm đưa các dự án vào triển khai.
Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu mà Tập đoàn CIP đã đạt được trong lĩnh vực năng lượng xanh thời gian qua. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có CIP, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam và Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục phối hợp cùng tập đoàn để trao đổi về việc triển khai các dự án cụ thể nhằm hiện thực hóa các ý tưởng đã đề ra.
Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng lắng nghe lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận trao đổi cụ thể về các vấn đề mà CIP quan tâm. Sau cuộc gặp, Phó Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã đi tham quan trang trại điện gió của CIP và một số công trình dự án tiêu biểu về phát triển bền vững của Copenhagen.
Thành lập từ năm 2012, CIP là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là ngành điện gió ngoài khơi. Tập đoàn đã huy động được nguồn vốn lớn (khoảng 25 tỷ euro, quản lý 11 quỹ, với hơn 500 nhân viên, có văn phòng tại nhiều nước trên thế giới), đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng năng lượng xanh (điện gió, điện Mặt Trời, sinh khối v.v...). Tại Việt Nam, CIP đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận và một số dự án khác đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.