Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu
Nguyễn Quang Dương đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về tình hình kinh
tế - xã hội tại địa phương. Nổi bật trong bức tranh tổng thể là tốc độ
tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 7,56% (cùng kỳ năm
ngoái là 6,3%).
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa
XII, Bạc Liêu đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm tinh giản bộ máy
hành chính tinh gọn, hiệu quả…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh thời gian qua. Trao đổi về tiềm năng phát triển của địa
phương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bạc Liêu cần chú trọng phát triển
điện gió, trở thành tỉnh đầu tiên phát triển điện gió - nguồn năng lượng
sạch trong khu vực miền Tây Nam Bộ.
Chia sẻ với những
khó khăn của một tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với kết cấu
hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu so với mặt bằng chung của cả
nước, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội cho
biết, theo quy hoạch chung, đến năm 2021 dự kiến đường cao tốc sẽ kéo
dài đến Cần Thơ. Sau năm 2021, dự kiến tuyến đường cao tốc sẽ đến khu
vực Bạc Liêu. Trong thời gian chờ, Bạc Liêu có thể duy tu nâng cấp các
tuyến đường hiện có để bảo đảm giao thông.
Chủ tịch Quốc
hội nhấn mạnh tỉnh cần bám sát các chủ trương, chính sách, nghị quyết
của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế tư
nhân; chủ động mời gọi các nhà đầu tư, tạo niềm tin cùng cơ sở pháp lý.
Bạc Liêu cần dựa vào thế mạnh của mình để phát triển, tỉnh cần khuyến
khích kinh tế tư nhân trong lĩnh vực mà tư nhân đang làm tốt như nuôi
trồng thủy hải sản, phát triển cây đặc sản như nhãn tiêu cơm vàng...
Theo
Chủ tịch Quốc hội, cùng với tiềm năng du lịch biển và bề dày của vùng
đất là “cái nôi” của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Bạc Liêu cần phát
huy thế mạnh này để cùng phát triển kinh tế kết hợp bảo tồn các giá trị
văn hóa truyền thống dân tộc.
Trong xây dựng nông thôn
mới, ghi nhận Bạc Liêu đã có 16/49 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, Chủ
tịch Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh chưa cần đặt mục tiêu về đích trước 1 năm.
Ngoài việc xây dựng điện, đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng, Bạc Liêu
cần chú trọng chăm lo đến đời sống nhân dân, tạo công ăn, việc làm cho
lao động nông thôn bằng cách phát triển doanh nghiệp tại chỗ để người
lao động “ly nông mà không ly hương”, cùng với đó là tạo sự đoàn kết
trong cộng đồng dân cư...
Trong công tác giảm nghèo, Chủ
tịch Quốc hội cho rằng, mục tiêu năm 2018 của Bạc Liêu là tiếp tục giảm
3% hộ nghèo (hiện nay là 8,43%). Tỉnh cần tính đến tỷ lệ tái nghèo,
tách hộ nghèo. Cùng với đó thực hiện tốt chính sách hướng về cơ sở,
chăm lo cuộc sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
vùng sâu, vùng xa.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong phát
triển kinh tế Bạc Liêu cần phải tính đến việc hài hòa lợi ích của người
dân, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, nhất là những dự án lớn, sử
dụng nhiều diện tích đất đai thì cần phải cân nhắc, thận trọng.
Ghi
nhận tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn ổn định, đời sống nhân
dân ngày càng nâng cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Bạc Liêu tăng
cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ sở để nhân dân hiểu và nắm rõ.
* Cùng
ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã đến
thăm Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Tập đoàn Việt - Úc tại
ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu với quy mô 315 ha. Mục
tiêu của Bạc Liêu và nhà đầu tư là từ đây tạo ra vùng nguyên liệu tập
trung để đẩy mạnh sản xuất và chế biến xuất khẩu, góp phần tăng nhanh
kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành
công nghiệp tôm của cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Tập đoàn Việt - Úc tại Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội cũng đã
đi thăm Nhà máy điện gió Bạc Liêu tại vùng bãi bồi ven biển xã Vĩnh
Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Nhà máy chính thức được khánh thành, đưa
vào hoạt động 62 turbine gió có tổng công suất 99,2 MW vào đầu năm
2018. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của địa phương, khai phá vùng bãi bồi
ven biển, tạo ra năng lượng sạch; đang triển khai giai đoạn 3 với công
suất 142 MW.