Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên , Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Vai trò của Hội đồng nhân dân ngày càng được khẳng định
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cho biết, năm 2020, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh ước đạt 3,56%; thu ngân sách ước vượt gần 22% dự toán; giá trị xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra trước 3 năm. Lĩnh vực văn hóa – xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo.
Theo báo cáo tại Kỳ họp, có 11/12 chỉ tiêu về kinh tế- xã hội đạt và vượt kế hoạch. Phú Thọ đứng thứ 26/63 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đứng thứ 4/63 về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Lĩnh vực giáo dục được quan tâm, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 89%, tỉnh đã hoàn thành việc bồi dưỡng cho 20 nghìn lượt cán bộ quản lý, giáo viên trong đó 100% giáo viên tiểu học được bồi dưỡng chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới.
Tỉnh chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã, đúng yêu cầu, kế hoạch đề ra. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phú Thọ đặt mục tiêu, năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6% trở lên.
Phát biểu tại Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả mà tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong thành công chung đó luôn có sự đóng góp quan trọng của HĐND tỉnh với nhiều đổi mới, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Các kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, chất lượng các Nghị quyết được nâng lên, sát thực tiễn hơn. Phương thức tổ chức giám sát được thay đổi, cải tiến như: trước khi giám sát, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát nội dung giám sát, chọn lựa nội dung giám sát; xây dựng đề cương chi tiết cho cuộc giám sát; đi thực tế tại cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện cũng như đề xuất hướng giải quyết khả thi. Công tác thông tin tuyên truyền đã được chú trọng để cử tri và các cấp, các ngành nắm bắt, giám sát kịp thời. Nhờ đó, vai trò của HĐND ngày càng được khẳng định, thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Góp phần tạo đồng thuận xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu rất lớn cho cả hệ thống chính trị, trong đó có HĐND tỉnh phải tập trung đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.
Cơ bản tán thành với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đã được tỉnh đề ra cho năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phú Thọ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất đồng bộ trong nhận thức và hành động, từ đó lan tỏa ra toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và nhóm giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX đã đề ra.
Tỉnh tiếp tục tập trung cùng cả nước vừa kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phú Thọ sớm hoàn thành và triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tập trung giải quyết những "điểm nghẽn", bất cập để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Cùng với đó, Phú Thọ tập trung nguồn lực đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng vùng động lực kinh tế của tỉnh và các dự án có tính lan tỏa; tận dụng có hiệu quả những chính sách ưu đãi đầu tư mới trong Luật Đầu tư (sửa đổi) để thu hút những dự án đầu tư lớn; khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Phú Thọ định hướng cho các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm hiểu và nắm bắt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA...) để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.
Cùng với xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển trong giai đoạn tới, tỉnh cần quan tâm phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa - xã hội, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ hơn; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tỉnh chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tỉnh Phú Thọ phải đặc biệt quan tâm đến quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả và bền vững các tài nguyên trên địa bàn; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp ít ảnh hưởng đến môi trường; từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi đô thị và khu vực đông dân cư, góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành.
Phú Thọ tiếp tục thục hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp; chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tỉnh quan tâm giải quyết những tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời phát hiện, giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong các hoạt động của HĐND tỉnh; nâng cao chất lượng thẩm tra các đề án, báo cáo, tờ trình; đổi mới nội dung, phương thức giám sát, tập trung giám sát những vấn đề quan trọng, vấn đề nhân dân đang quan tâm.
Đồng thời, Hội đồng nhân dân cần đổi mới công tác tiếp xúc với cử tri, tiếp công dân để nắm bắt kịp thời hơn tâm tư, ý nguyện của nhân dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Phú Thọ tập trung chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có nhiều điểm mới về số lượng đại biểu HĐND, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND. Do đó, các cơ quan hữu quan cần quan tâm chuẩn bị thật tốt phương án nhân sự, lựa chọn những người có kinh nghiệm thực tế, được cử tri và nhân dân tín nhiệm, đủ khả năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội và HĐND các cấp tỉnh Phú Thọ.
Đồng thời, tỉnh cần chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Phú Thọ được coi là vùng đất Tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam, có nhiều di tích lịch sử với nền văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó 2 di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan và Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương. Phú Thọ là cửa ngõ nối liền vùng Tây Bắc của Tổ quốc với Thủ đô Hà Nội và vùng châu thổ sông Hồng, đường giao thông thủy, bộ thuận tiện. Tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào, nhân dân cần cù lao động sản xuất...
Cho rằng đây là những thế mạnh, tiềm năng phát triển to lớn đối với sự phát triển của Phú Thọ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng, Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ có những quyết định đúng đắn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025. Phú Thọ phấn đấu xây dựng là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, xứng đáng truyền thống của quê hương đất Tổ Vua Hùng, xây dựng và duy trì hình ảnh "Phú Thọ - một điểm đến hấp dẫn, thân thiện, chất lượng và an toàn".