Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Đại hội.
Dự Đại hội còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh Vĩnh Phúc, Sơn La; 336 đại biểu chính thức, đại diện cho đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Theo Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội, trong nhiệm kỳ qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Phú Thọ đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 7,86%/năm (kế hoạch là 6,95%/năm); quy mô kinh tế tăng gần 1,7 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 52,5 triệu đồng, tăng 64%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kim ngạch xuất khẩu tăng 30,2%/năm; số hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới có bước đột phá lớn, đến nay toàn tỉnh có 116 xã đạt và 59 xã cơ bản đạt chuẩn; bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã; 4 huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, việc thực hiện bốn khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội XVIII đề ra về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và du lịch được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đáng chú ý, đầu tư kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng, tổng vốn huy động được trên 50 nghìn tỷ đồng, tăng 1,38 lần so với giai đoạn 2011-2015. Tỉnh đã thực hiện 199 dự án thuộc 8 ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội then chốt, trong đó thực hiện 25 dự án hạ tầng các khu cụm công nghiệp; hoàn thiện trên 1.100 km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã; đưa vào sử dụng 3 nút giao thông quan trọng IC7, IC9, IC11 kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; hoàn thiện 2 cây cầu lớn là Văn Lang, Mỹ Lung giúp kết nối giao thương giữa vùng trọng điểm kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh…
Trong 5 năm qua, trên 238 nghìn lao động được đào tạo mới, tăng 12% so với năm 2015. Từ một tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng, Phú Thọ đã vươn lên xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 3/14 tỉnh miền núi phía Bắc về Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng PCI trong vòng 5 năm…
Tỉnh đề ra mục tiêu đưa kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong giai đoạn 2020-2025.
Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 8 giải pháp chủ yếu nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tỉnh tập trung thực hiện tốt khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của một số ngành, lĩnh vực trọng điểm và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, để tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Phú Thọ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5%/năm trở lên. Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm từ 82% trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,8 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 190 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt từ 10 nghìn tỷ đồng trở lên.
Phát triển du lịch trở thành đòn bẩy cho các lĩnh vực khác
Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mặc dù xếp thứ 13/14 trong khu vực trung du miền núi phía Bắc về diện tích, nhưng Phú Thọ xếp thứ hai về dân cư, quy mô kinh tế xếp thứ 3/14 chỉ sau Thái Nguyên và Bắc Giang. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức khá cao, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7,88%; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 65% so với 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 tăng 3 bậc so với 2016. Các hoạt động văn hóa, xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện.
Thủ tướng biểu dương, chúc mừng những thành tựu của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục thành công trong nhiệm kỳ tới, đóng góp vào quá trình phát triển chung của cả nước.
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục của Phú Thọ như: Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; kinh tế chuyển dịch tích cực nhưng vẫn chậm; chất lượng của từng lĩnh vực cũng như sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, trình độ thấp, thiếu sự liên kết thống nhất; ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế; ngành dịch vụ chưa phát huy hết lợi thế, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch chưa rõ nét. Trong số 7 khu công nghiệp đã được quy hoạch, chỉ có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động; phát triển tiểu vùng kinh tế động lực theo định hướng không gian còn hạn chế, kết nối vùng kinh tế và Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang còn nhiều bất cập…
Thủ tướng đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ cần tiếp tục đồng tâm, hiệp lực đưa Phú Thọ trở thành tỉnh tiên tiến không chỉ của miền Bắc mà còn của cả nước. Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đề ra; yêu cầu Phú Thọ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, dẫn dắt sự phát triển các tiểu vùng.
Tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ và chính quyền thật sự là công bộc của dân; tăng cường huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng; chiến lược phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch, dự án, công trình có tính kết nối liên vùng…
Thủ tướng chỉ đạo Phú Thọ cần đưa du lịch trở thành một mũi nhọn, đòn bẩy cho các lĩnh vực khác; thu hút mạnh đầu tư phát triển du lịch, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ, nhất là 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Tỉnh cần kết hợp chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội, các địa phương trong phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, Phú Thọ có lộ trình phấn đấu giảm dần sự hỗ trợ từ Trung ương, sớm gia nhập câu lạc bộ, các địa phương tự cân đối được ngân sách trong vòng 5 năm tới. Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường giữ gìn đoàn kết nội bộ; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu đề nghị mỗi đại biểu dự Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tập trung trí tuệ, đánh giá đúng tình hình, chỉ rõ ưu khuyết điểm, chỉ ra những bài học kinh nghiệm, xác định rõ phương hướng nhiệm vụ, đưa ra giải pháp mang tính đột phá đưa kinh tế - xã hội phát triển.
Tại Đại hội, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh và dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; sáng suốt lựa chọn bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX với những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đủ đức, đủ tài, có năng lực, uy tín, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm để lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra đến hết ngày 29/10.