Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự buổi họp mặt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam trong suốt chặng đường 75 năm qua, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I vào ngày 6/1/1946, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, sáng tạo hành động vì lợi ích nhân dân, đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trải qua 14 khóa, hoạt động lập pháp ngày càng đi vào thực chất với chất lượng ngày càng được nâng lên, giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, với nhiều đạo luật lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Quốc hội cũng đã có những đổi mới trong hoạt động chất vấn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước.
Về đổi mới phương thức hoạt động, nhiệm kỳ này đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội đã khẳng định vai trò lịch sử to lớn và quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quốc hội đã tập hợp và phát huy trí tuệ, tâm huyết của hàng nghìn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong việc tham gia xây dựng, ban hành Hiến pháp, luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), hàng trăm luật, bộ luật, qua đó đã hình thành hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, thống nhất, minh bạch, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng; bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy Nhà nước; tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng...
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đối với hoạt động của Quốc hội khóa XIV và sự phát triển của đất nước trong thời gian qua. Các đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cử tri, đóng góp vào hoạt động của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thành phố có nhiều ý kiến thiết thực, có giá trị thực tiễn cao để hoàn thiện các dự án Luật, Bộ luật được trình ra Quốc hội; tích cực tham gia vào hoạt động giám sát (trong đó có hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn) và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất Trung ương và các cấp chính quyền thành phố giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội còn tích cực tham gia các hoạt động chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với nước và công tác an sinh xã hội tại địa phương, qua đó, góp phần nâng cao lòng tin của cử tri và nhân dân đối với các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ trong thời gian tới tiếp tục đổi mới hoạt động, đóng góp hiệu quả cho các hoạt động của Quốc hội; chủ động phối hợp với các ngành, các cấp chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm 2021-2026.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ qua các khóa đã đóng góp nhiều ý kiến, đánh giá cao vai trò của đại biểu Quốc hội khóa XIV trong việc ra nghị quyết xóa thuế nông nghiệp cho người dân, cấm sử dụng rượu bia, giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; hoạt động giám sát của Quốc hội đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, quyết liệt, sát với thực tế, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân... Các đại biểu cũng mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm đến các vấn đề "nóng" ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như đầu tư cho giao thông, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển...