Thay mặt tập thể cán bộ Phái đoàn và các chuyên gia làm việc tại các tổ chức quốc tế ở Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về công tác của Phái đoàn và các chuyên gia thời gian qua. Ý thức được việc công tác tại một địa bàn có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao đa phương ở trung tâm châu Âu, các cán bộ, nhân viên Phái đoàn và các chuyên gia luôn quán triệt, nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cũng theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Geneva là địa phương nước ngoài có sự gắn bó lâu dài với lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước của Việt Nam; là nơi ghi nhận Hiệp định Geneva 1954 - chiến thắng ngoại giao đa phương vì hòa bình của ngành ngoại giao Việt Nam nổi tiếng thế giới.
Đại sứ nêu rõ chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là sự thể hiện mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề đa phương; phát triển bao trùm và bền vững; duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chuyến thăm truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam, đó là đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các công việc chung của Liên hợp quốc (LHQ) và thế giới.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng cho biết lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại trụ sở LHQ ở Geneva đều dành tình cảm tốt đẹp cho đất nước, con người Việt Nam và nồng nhiệt chào đón, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến LHQ.
Đại diện các cán bộ, nhân viên Phái đoàn và các chuyên gia Việt Nam tại Geneva đề nghị Đảng, Nhà nước tạo cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc tạo điều kiện thúc đẩy sự có mặt của các chuyên gia người Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, qua đó, tăng cường tiếng nói, vai trò và vị thế của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Bày tỏ vui mừng khi đến thăm cán bộ nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva và các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chuyến thăm Thụy Sĩ nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Thông qua chuyến thăm, hai bên sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, tập trung vào các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, hợp tác phát triển…
Chủ tịch nước biểu dương những đóng góp tích cực của Phái đoàn và các chuyên gia đối với thành tích đối ngoại chung của cả nước trong những năm qua. Đặc biệt, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Phái đoàn vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần thực hiện thành công Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, cũng như trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, bảo hộ công dân, công tác cộng đồng... Do đó, chuyến thăm Văn phòng LHQ và các tổ chức quốc tế tại Geneva có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cán bộ, nhân viên Phái đoàn và chuyên gia Việt Nam tại các tổ chức quốc tế nỗ lực nhiều hơn nữa “vì 2 tiếng Việt Nam”, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là những vấn đề phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm, kinh tế tuần hoàn. Qua đó, đóng góp cho việc thu hút nguồn lực đa phương hỗ trợ Việt Nam qua các sáng kiến, dự án nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của nền kinh tế và hướng đến việc hoàn thành thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cán bộ luôn trau dồi chuyên môn và kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm để gia tăng đội ngũ chuyên gia làm việc tại các tổ chức quốc tế, đóng góp vào công tác của các tổ chức và thể hiện vai trò, tiếng nói tại các tổ chức quốc tế, khẳng định hình ảnh và sức mạnh mềm của tri thức và trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.