Chủ tịch nước chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW

Sáng 18/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp thứ 22, cho ý kiến về Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Phiên họp lần thứ 22 Ban Chỉ đạo. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Tại phiên họp, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Quân ủy Trung ương đã trình bày Tờ trình về các Đề án: “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”; “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp trong Quân đội”.

Đề án của Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Tòa án nhân dân đã có bước phát triển vững chắc, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Cùng với công tác nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức và hoạt động xét xử, tăng cường cán bộ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng kế hoạch, những biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các Tòa án. Tuy nhiên, công tác xét xử thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót; chất lượng xét xử chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra; tình trạng cán bộ, công chức Tòa án vi phạm quy tắc nghề nghiệp vẫn còn xảy ra...

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu và xây dựng Đề án về “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án”.

Đề án đề ra các giải pháp: Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của các Tòa án nhân dân; xây dựng và hoàn thiện các dự án luật tố tụng tư pháp nhằm đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử; xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử…

Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ: Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra ngay lĩnh vực hoạt động tư pháp, gây hậu quả xấu, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp; làm giảm sút lòng tin của nhân dân và các cơ quan thực hiện các hoạt động tư pháp.

Từ thực tế đó, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã tăng cường những biện pháp, phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp mà người thực hiện là công chức trong ngành Kiểm sát. Thông qua công tác này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch vững mạnh.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong nội bộ ngành Kiểm sát khi tiến hành các hoạt động tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế đảm bảo cơ chế để Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Ngoài ra, cần đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương nhằm bảo đảm xây dựng các cơ quan này thành thiết chế đủ mạnh để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp…

Qua thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí với các Đề án về thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Các ý kiến cho rằng, các Đề án đã chuẩn bị công phu, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và kết quả tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống tiêu cực.

Các đề án cơ bản đã xác định đúng hành vi, thực trạng tình hình tiêu cực và chỉ ra những biểu hiện của hành vi tiêu cực trong hoạt động tiền tố tụng, hoạt động tố tụng của Tòa án; đánh giá thực trạng tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân.

Mặt khác, các Đề án đã đưa ra được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: Các giải pháp nêu trong Tờ trình cơ bản đã bám sát với yêu cầu của công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân.

Tuy nhiên, chưa có sự phân biệt giữa phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và còn nhiều nội dung trùng lắp, cần tiếp tục nghiên cứu; cần bổ sung thêm các giải pháp khắc phục hiện tượng móc ngoặc, cấu kết giữa Kiểm sát viên, điều tra viên, Thẩm phán, luật sư trong quá trình tố tụng.


Thảo luận Đề án của Tòa án nhân dân tối cao, các ý kiến cơ bản nhất trí với các nội dung về căn cứ xây dựng Đề án, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu và phạm vi được nêu trong Tờ trình và cho rằng: Mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Đề án đề ra cụ thể, rõ ràng; đáp ứng yêu cầu xây dựng Đề án là đánh giá đúng thực trạng tình hình tiêu cực, nhận diện đúng, đầy đủ các hành vi tiêu cực và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực có hiệu quả.

Tuy nhiên, Đề án cần tính đến tính khả thi, đồng bộ của các giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện sao cho đảm bảo hiệu quả trên thực tế.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp là đề tài khó và hết sức quan trọng; góp phần xây dựng và tác động ngày càng tốt hơn đến hoạt động của ngành tư pháp.

Do đó, việc thảo luận cần đánh giá, phân tích, làm rõ mục đích, yêu cầu phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; đồng thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp có hiệu quả.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu, chỉnh lý lại những nội dung góp ý để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của Đề án. Trong đó, nội hàm của mỗi Đề án phải được xây dựng trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tiêu cực và những phát sinh từ tình hình thực tiễn, bởi đây là những cơ quan bảo vệ công lý.

Chủ tịch nước lưu ý bên cạnh những giải pháp của Đảng, Nhà nước đang có giá trị, mỗi Đề án phải đưa ra được các giải pháp mới sát với từng lĩnh vực, như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Đồng thời, giải pháp trong mỗi Đề án phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phải giáo dục được lòng tự trọng, danh dự cá nhân trong đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp. Mỗi Đề án phải chú trọng đến công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán…

Nguyễn Cường (TTXVN)
Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp
Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp

Chiều 15/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN