Trong một cuộc làm việc gần đây với Bộ Kế hoạch - Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính trong việc thành lập và giải thể các doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Phải thay thế ngay những cán bộ không đáp ứng được nhu cầu công việc.Ý kiến này của Thủ tướng là dựa trên cơ sở của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI của Đảng và thể hiện sự sâu sát của Thủ tướng về đội ngũ cán bộ của ta, không chỉ bao hàm cán bộ viên chức nhà nước mà còn gồm cả những cán bộ trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng... và không chỉ ở cấp gần Trung ương mà còn ở cả cấp địa phương, từ thấp đến cao và ngược lại.
Việc thi tuyển công chức nghiêm túc sẽ góp phần lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ tài - đức phục vụ nhân dân, đất nước. |
Tại sao Thủ tướng phải đặt vấn đề kiên quyết như vậy? Phải chăng là vì những thực trạng sau đây:
Đội ngũ cán bộ của ta rất đông và cồng kềnh so với thực tế yêu cầu của công việc. Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương cải cách các thủ tục hành chính và tinh giản biên chế từ nhiều năm nay. Nhưng theo báo cáo công khai của các cơ quan có trách nhiệm đôn đốc công việc này thì số bộ, ngành và địa phương làm tốt chủ trương này không nhiều. Đa phần mới thực hiện được ở mức trung bình; một phần không nhỏ đang làm cầm chừng, thậm chí trì trệ, vẫn để biên chế phình to hơn trước và được thanh minh bằng nhiều lý do.
Nhiều bộ, ngành, đoàn thể chưa xây dựng được các tiêu chuẩn tuyển chọn cụ thể đội ngũ cán bộ sát hợp với từng ngành, từng lĩnh vực công tác. Một số nơi lại làm đại khái, không sát với thực tế, không được khảo nghiệm chắc chắn mà phần lớn là do đội ngũ làm công tác tổ chức - cán bộ ngồi tại các văn phòng đề ra, xa cách thực tế. Bản thân việc lựa chọn, kể cả thi tuyển còn rất nhiều thiếu sót, tiêu cực và sơ hở. Nhìn bề ngoài có vẻ chặt chẽ, vì có đủ các ngành liên quan tham gia, nhưng thực chất lại không phải thế mà vẫn có nạn “cổng trước” và “cổng sau”. Còn người dự tuyển thì có đủ các kiểu “chạy”. Cho nên nhiều người đáng được tuyển chọn lại không được tuyển chọn, có người không xứng đáng lại được. Sự việc xảy ra ở Bộ Công Thương (hoặc có nơi chưa được phát giác) vừa qua là một dẫn chứng.
Sau khi cán bộ đã được tuyển chọn thì công việc hết sức quan trọng phải được làm ngay là bồi dưỡng, đào tạo và rèn luyện họ về nhiều mặt (cả về chính trị, chuyên môn, đạo đức, tác phong làm việc v..v...) lại không được chú ý làm ráo riết đến nơi, đến chốn. Vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác của các đoàn thể trong công tác này không thể hiện rõ ràng. Tình trạng đó làm cho một số cán bộ khi mới được tuyển dụng thì hăng hái, tích cực, nhưng càng ngày vai trò của họ càng bị lu mờ, thui chột dần.
Bản thân nhiều cán bộ khi đã “ấm chỗ rồi” sinh ra chủ quan, thỏa mãn, hài lòng với mình, rồi lười nhác, khinh xuất, không chịu khó học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ theo kịp yêu cầu ngày càng tăng của công việc. Lại có người đứng núi này, trông núi nọ, “chân ngoài dài hơn chân trong” bị các tiêu cực và cám dỗ trong xã hội làm cho hư hỏng, biến chất, sa đọa, vi phạm kỷ luật.
Cán bộ cấp thấp, cấp dưới thì như thế. Còn đội ngũ cán bộ cấp cao hơn, từ cấp vụ, cấp Bộ Thứ trưởng trở lên? Phải khẳng định đa phần là tốt. Nhưng qua các cuộc tổng kết và sự phản ánh của báo chí và dư luận xã hội, vẫn thấy còn nhiều điều bất cập:
Bệnh nặng nhất của một số cán bộ cấp chiến lược này là không nắm chắc (thậm chí quên) các chức năng, nhiệm vụ, bổn phận của mình. Có người đã làm sai, làm ngược, làm lấn sân sang công việc của người khác.
Một số chưa được lựa chọn cẩn thận, chính xác, thiếu kinh nghiệm và từng trải thực tế, đã được bố trí vào các vị trí quan trọng. Cá biệt có người được bố trí vào cương vị cao rồi thì tỏ ra chủ quan, thỏa mãn, lười nhác học tập, tu dưỡng, rèn luyện hay ỷ lại vào cấp dưới, vào những người giúp việc, thư ký, trợ lý, còn bản thân không chịu đi sâu nắm chắc các công việc được giao.
Lại cũng có cán bộ không tự kiềm chế được mình trước cám dỗ. Không ít người đã mắc vào tội tham nhũng, lãng phí, ăn cắp của công, sa đọa, thoái hóa về chính trị và lập trường quan điểm để rơi vào vòng lao lý, tù tội...
Trong khi đó, công tác kiểm tra, thanh tra, công tác chính trị tư tưởng và tổ chức kỷ luật làm chưa đủ mạnh. Không phải tất cả những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm ở cấp này đều do các cơ quan quản lý phát hiện ra. Nhiều người khi đã bị phát hiện rồi, lại không được xử lý nghiêm khắc kịp thời, ngược lại có người được thuyên chuyển đi nơi khác, cho giữ nguyên vị trí cũ sau khi chỉ “xử lý nội bộ” qua loa.
Những biểu hiện trên đây gây nhiều tác hại, ít nhất là: Làm hư hỏng và mất cán bộ, làm mất uy tín không chỉ vài cá nhân mà cả bộ máy làm công tác cán bộ; Làm mất lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân; Làm ảnh hưởng đến uy tín và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và vai trò của các đoàn thể mà các cán bộ đó là các hội viên; Là chỗ yếu để các thế lực xấu ở trong nước và lực lượng thù địch ở bên ngoài lợi dụng nói xấu chúng ta và phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Tình hình trên đây đòi hỏi cần phải nâng cao không ngừng và thường xuyên công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý cán bộ, công tác giáo dục, công tác tổ chức - cán bộ kỷ cương phép nước, trong đó công tác tổ chức - cán bộ luôn được chúng ta coi là khâu then chốt của các then chốt.
Cuối cùng là việc đánh giá, xử lý và thay thế những cán bộ như Thủ tướng đã nói ở trên phải làm thế nào? chắc chắn ai cũng tán thành phải làm nghiêm túc, đúng đắn, công bằng, chính trực theo tinh thần “pháp luật bất vi thân”. Chỉ thị này được áp dụng với cán bộ cấp thấp, cấp dưới, cấp địa phương thì cũng phải được áp dụng với cán bộ cấp trên không có ngoại lệ, không loại trừ ai, thậm chí cán bộ cấp càng cao càng phải được xử lý nghiêm minh hơn để làm gương, để phát huy tác dụng giáo dục và răn đe, nhằm giữ gìn kỷ cương, phép nước và kỷ luật của Đảng.
Hồ Đức Minh