Tại kỳ họp này, mục tiêu chính của việc sửa Luật là giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường hoạt động ổn định, lâu dài; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt, bảo vệ nhà đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào diện điều chỉnh Luật cũng đang gây nhiều băn khoăn…
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội thảo luận gồm 10 chương với 213 điều. Dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan tới đăng ký doanh nghiệp; quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; khái niệm và các quy định về doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; hộ kinh doanh... Những sửa đổi, bổ sung này hướng tới việc khắc phục những bất cập, khiếm khuyết của Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn, giảm gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.
Đáng chú ý, trong dự thảo Luật, khái niệm doanh nghiệp Nhà nước được sửa đổi thành 2 loại: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Trong dự thảo Luật còn bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, gồm các Điều 187a, 187b và 187c, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự…
Trước việc Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến quan tâm cho rằng: Để xây dựng, đáp ứng được môi trường kinh doanh đơn giản, thông thoáng, đồng bộ, rõ ràng, thuận lợi cho doanh nghiệp thì việc sửa đổi luật là cần thiết và cấp bách. Bởi kể từ khi ra đời đến nay, Luật Doanh nghiệp năm 2005 dù có sự đóng góp đáng kể vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, từng bước xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng trải qua gần 10 năm đi vào thực tế, Luật đang bộc lộ những hạn chế, chưa thực sự phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, phần nào gây khó khăn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục tiêu lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp này là giúp doanh nghiệp đã gia nhập thị trường hoạt động ổn định, lâu dài. Những lần sửa đổi trước đây, tập trung mạnh vào việc rà soát, đơn giản hóa ở khâu gia nhập thị trường, có nghĩa là đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian, chi phí, phức tạp trong việc gia nhập thị trường, có nghĩa làm cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.
Lần sửa đổi này cũng là hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh, làm những gì pháp luật không cấm. Và dự kiến, luật lần này sẽ bãi bỏ những điều kiện không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Dù tán thành việc sửa đổi Luật, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật do quy định tại Điều 187d chưa làm rõ các vấn đề về quyền của hộ kinh doanh trong khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giản, thuận tiện; cần làm rõ quy định mới nào trong dự thảo là nhằm tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển hơn. Chính phủ cần thận trọng và cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Bên cạnh những băn khoăn, cũng có quan điểm cho rằng, hộ kinh doanh cũng là một trong các thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. Mục đích cuối cùng của việc sửa Luật là nhằm nâng cao được tính chuyên nghiệp trong hoạt động của hộ kinh doanh, để họ tự nhận thấy chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ “dễ thở hơn”. Vì thế, đối với hộ kinh doanh, có thể điều chỉnh đối tượng này trong Luật Doanh nghiệp, nhưng không phải “đẩy” hết họ lên thành doanh nghiệp. Để hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển sang doanh nghiệp cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có nhiều nhưng dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Về khung pháp lý, cần củng cố phần này để đảm bảo tính xuyên suốt, nhất quán, đảm bảo các điều luật như Luật Doanh nghiệp, Luật về thuế, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động, việc sử dụng lao động, luật khoa học công nghệ… không bị “chồng chéo”.
Mới đây, trước việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp, tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần cân nhắc và phải có báo cáo đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bởi một doanh nghiệp thì mới chịu quy chế pháp lý như doanh nghiệp, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật liệu có làm đảo lộn toàn bộ pháp lý của doanh nghiệp không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, việc đưa vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp sẽ có tác động đến 4-5 triệu hộ kinh doanh, cùng với đó là hàng chục triệu lao động và liên quan đến hộ sản xuất nông nghiệp sẽ còn phức tạp hơn, do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng, nếu quy định trong luật thì sẽ điều chỉnh những gì, phải có chế tài chặt chẽ.