Cần khẩn trương ký hợp đồng với các phân ngành biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trụ sở Chính phủ, Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã họp tổng kết công tác năm 2017, triển khai công tác năm 2018.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đã dự.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết, trong năm 2017, Hội đồng Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Đề án phối hợp với cơ quan chủ trì là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các Ban biên soạn chuyên ngành tập trung vào việc hoàn thiện thuyết minh và dự toán của nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam".

Dự kiến, năm 2018, sau khi nghiệm thu nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam", các quyển sẽ chính thức được biên soạn với các mục từ đã được xác lập trong quá trình xây dựng đề cương năm 2017.

Đối với việc xây dựng cuốn Cẩm nang biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, trên cơ sở 5 nhiệm vụ: biên soạn khung mẫu cho một quyển chuyên ngành và biên soạn mục từ mẫu; xây dựng nguyên tắc xây dựng bằng mục từ; xây dựng nguyên tắc chính tả; xây dựng nguyên tắc phiên chuyển tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xây dựng nguyên tắc phiên chuyển tiếng dân tộc sang tiếng Việt, Ban Thư ký đã hình thành bộ tài liệu hướng dẫn trình Ban Chủ nhiệm và đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua 4/5 nhiệm vụ, đang chờ chỉnh sửa theo yêu cầu. 5 nhiệm vụ này sẽ được biên tập thành cuốn "Cẩm nang biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam" để giúp các nhà khoa học có tài liệu hướng dẫn trong quá trình biên soạn.

Thực hiện cơ chế tài chính thí điểm và xây dựng cơ chế tài chính chính thức cho Đề án, Ban Chủ nhiệm đã chỉ đạo Văn phòng Đề án thực hiện cơ chế tài chính thí điểm, phục vụ thanh quyết toán cho Đề án và các nhiệm vụ của 37 Ban Biên soạn chuyên ngành; phối hợp với các bên liên quan xây dựng cơ chế tài chính chính thức cho Đề án.

Ban Chủ nhiệm chỉ đạo Tổ chuyên gia tin học của Đề án bước đầu nghiên cứu tổng quan về hệ thống thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin liên quan; đề xuất phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn mục từ, xây dựng thử nghiệm các phần mềm hỗ trợ biên soạn, phân tích các yêu cầu phần mềm quản lý nhân sự Đề án theo yêu cầu công việc. Các phần mềm "Hệ thống phần mềm quản lý nhà khoa học, nhiệm vụ khoa học, hội đồng khoa học và hỗ trợ tương tác tự động", "Hệ thống phần mềm tự động thống kê, tra soát, chọn lọc, so sánh, phân loại mục từ và văn bản" phục vụ cho công tác Đề án đã xây dựng xong, đang được chạy thử để chính thức đi vào hoạt động.

Năm 2018, Ban Chủ nhiệm Đề án sẽ nghiệm thu 37 nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng Đề cương quyển chuyên ngành thuộc Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam"; tổ chức tọa đàm, hội thảo, tập huấn để các thành viên của Ban hiểu đúng, nhất quán trong nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất cho công tác biên soạn; chỉ đạo 37 quyển biên soạn các mục từ đã được xác lập trong quá trình xây dựng Đề cương năm 2017.  Ưu tiên biên soạn trước các mục từ chuyên ngành đặc thù; ban hành cơ chế tài chính chính thức cho Đề án, đơn giá biên soạn mục từ cho Bách khoa toàn thư Việt Nam; ban hành cuốn "Cẩm nang biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam"; tiếp tục xây dựng các phần mềm để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công việc của Đề án...

Các thành viên Hội đồng đã tập trung thảo luận về một số nội dung mang tính kỹ thuật, liên quan đến đề xuất tách quyển (quyển 31, 33); cơ chế khoán, thực hiện cơ chế tài chính, xác định đơn giá biên soạn mục từ; việc thanh toán cho các nhà khoa học nhận xét, góp ý, phản biện các mục từ, thanh toán một số hoạt động khác...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sau gần 2 năm thực hiện, nhiều công việc đã dần đi vào nền nếp, cần tiếp tục xây dựng nguyên tắc hoạt động cho giai đoạn tới, rà soát, cắt bỏ các thủ tục, hoạt động không cần thiết.

Ban Chủ nhiệm Đề án cần khẩn trương ký hợp đồng với các phân ngành để sớm triển khai các hoạt động. Ban Chủ nhiệm Đề án, các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế tài chính chính thức, giao quyền chủ động cho các Trưởng ban biên soạn bằng cách giao cả gói kinh phí, để Trưởng ban tự quyết định chi cho các thành viên tham gia biên soạn căn cứ vào tiến độ, chất lượng công việc, nhằm tránh trường hợp có thành viên nhận tiền nhưng không làm hoặc có làm nhưng sản phẩm kém chất lượng. Việc xây dựng định mức khuyến khích theo hướng cô đọng, ngắn gọn nhất, tránh tình trạng đếm chữ lấy tiền.

Phó Thủ tướng lưu ý cơ chế tài chính cần có sự đơn giản, giúp các nhà khoa học tập trung vào công việc biên soạn, không phải lo nhiều thủ tục hành chính rườm rà. Thời gian biên soạn nên đủ để các nhà khoa học thực hiện công việc có hiệu quả, không nên ép thời gian hoàn thành sớm. Ban Chủ nhiệm Đề án cần tập trung tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, sớm triển khai các phần mềm phục vụ cho công việc của Đề án, tạo công cụ giúp cộng đồng xã hội có thể tham gia đóng góp.

Phúc Hằng (TTXVN)
Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam
Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam

Ngày 26/2, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam tổ chức Hội thảo "Khởi động biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN