Qua theo dõi phiên chất vấn, cử tri Ngô Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư phát triển doanh nghiệp Thái Bình đánh giá Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn cụ thể, không né tránh, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội khi chất vấn. Tuy nhiên cử tri cũng cho rằng còn một số vấn đề Bộ trưởng chưa đưa ra được giải pháp như việc sắp xếp cán bộ dôi dư khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo cử tri, việc đánh giá, xếp loại công chức, viên chức cần thực tế, phải dựa trên hiệu quả công việc chứ không chỉ là tuân thủ theo các quy định của cơ quan, đơn vị.
Đánh giá cao việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cử tri Phạm Văn Vinh, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình cho rằng, Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, dám nhận trách nhiệm, kiểm điểm trước Quốc hội, Thủ tướng về các vấn đề mà Bộ chưa triển khai như việc chậm trễ trong việc hướng dẫn thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số...Bên cạnh đó, theo cử tri Phạm Văn Vinh, Bộ trưởng đã làm rõ được nhiều vấn đề "nóng" mà cử tri quan tâm như vấn đề biên chế trong ngành y tế, giáo dục; vấn đề tham nhũng, sách nhiễu trong cán bộ công chức, viên chức; vấn đề đánh giá cán bộ công chức, viên chức…
Ông Lê Xuân Tánh - nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân rõ ràng, có tính thuyết phục khá cao và sát với những vấn đề mà người dân quan tâm. Theo ông Lê Xuân Tánh, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ, ban hành nhiều chính sách về công tác cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó, các chính sách về đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này, qua đó ngày càng đáp ứng tốt hơn công tác quản lý xã hội và phục vụ người dân trong tình hình mới. Minh chứng là thời gian qua, công tác xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đã được thực hiện nghiêm minh và “không có vùng cấm”. Từ phản ánh của người dân, báo chí và các kênh thông tin khác về những vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức; các cấp chính quyền đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý kịp thời, kể cả với cán bộ giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước.
Theo ông Lê Xuân Tánh công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cần phải làm thường xuyên mới đáp ứng được nhiệm vụ quản lý xã hội và nhu cầu của người dân. Muốn vậy, Bộ Nội vụ cần hoàn thiện chính sách thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Để thu hút được người tài, cần minh bạch, công khai trong thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh; trả lương tương xứng với năng lực, vị trí việc làm; tạo môi trường thuận lợi. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng cần thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin, văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ.
Ông Nguyễn Hữu Cần - nguyên Chủ tịch UBND xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nắm khá chắc vấn đề khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Nhất là việc Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề cập đến vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm hiện nay là tinh giản biên chế. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là vấn đề liên quan trực tiếp đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức.
Do đó, quan điểm “không cào bằng” của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trong tinh giản biên chế là rất đúng. Minh chứng là việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục phải đảm bảo “ở đâu có người học thì có giáo viên đứng lớp”, trong ngành y tế thì “có người bệnh là có y, bác sỹ chữa bệnh”. Ông Nguyễn Hữu Cần cũng đánh giá cao sự thẳng thắn, nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trước Thủ tướng Chính phủ khi ngành còn hạn chế, tồn tại; đồng thời, cho rằng Bộ Nội vụ cần sớm thực hiện sửa các quy định về thi tuyển viên chức, bổ nhiệm các chức danh, theo hướng coi trọng năng lực thay vì quá chú trọng vào bằng cấp và các chứng chỉ.