Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là rất cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để phân cấp được quản lý Nhà nước, tạo điều kiện chủ động cho các đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đồng thời giảm bớt phiền hà cho các cơ quan ở các bộ.
Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, dự thảo Luật giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn một người. Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Phương án 2: quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị giữ nguyên số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND ở cả cấp tỉnh, cấp huyện và cho rằng, quy định như vậy tạo điều kiện để HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện giám sát.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không phải vì Nghị quyết 18 mà phải giảm biên chế của đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện. Theo đại biểu, vấn đề quan trọng là năng lực của cán bộ giữ vị trí đó có đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ hay không. Hoạt động của HĐND cấp tỉnh, huyện là theo quy định của pháp luật. Để nhà nước tồn tại, phát triển thì phải có cơ quan lập pháp, hành pháp và cơ quan giám sát.
“Trong quá trình thực thi chính sách phải có cơ quan kiểm tra, giám sát xem các cấp có làm đúng hay không. Vấn đề quan trọng là phải phân cấp cho các địa phương. Khi đã được phân cấp thì bộ máy sẽ đồng bộ, tức là HĐND giám sát UBND để làm sao việc phục vụ của chính quyền được tốt hơn. Nếu 600 huyện đều giảm 1 người, tỉnh giảm bớt 1 người thì giải quyết vấn đề gì, trong khi chúng ta đang rất cần cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát lẫn nhau về quyền lực”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, nên đánh giá lại bộ máy tổ chức hiện nay có cần thiết phải giảm vị trí này hay không. Hay do chưa sắp xếp cán bộ đúng với năng lực, trình độ chuyên môn nên họ chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình? “Trung ương cần phân cấp mạnh cho địa phương, cấp tỉnh phân cấp cho huyện, cấp huyện phân cấp cho xã. Chức năng của cơ quan nào thì cơ quan đó thực hiện, không nên ôm đồm”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ.
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đánh giá, việc quy định 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh không làm tăng thêm biên chế ở địa phương. “Thực chất, trước đây, HĐND tỉnh có 1 Phó Chủ tịch, 1 Ủy viên thường trực. Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, chức danh “Ủy viên thường trực” HĐND được nâng lên thành Phó Chủ tịch. Như vậy, không có chuyện tăng số lượng”, đại biểu nhận định.
Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, vấn đề quan trọng là đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chức năng, nhiệm vụ của HĐND chứ không phải nghĩ đến chuyện tinh giản biên chế.