Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND - Bài 1: Phù hợp với thực tiễn ở cơ sở​

Tại An Giang, sau nhiều năm triển khai thí điểm mô hình "Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện", vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết công việc bước đầu đã được phát huy.

Chú thích ảnh
Huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đã triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, phát huy tốt vai trò, năng lực lãnh đạo của người đứng đầu, tạo sự thống nhất trong lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong ảnh: Xã Bình Chánh, huyện Châu Phú đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: baoangiang.com.vn

An Giang hiện có 4/11 đơn vị là thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú và huyện Tri Tôn triển khai thực hiện mô hình "Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện". Thành phố Long Xuyên là địa phương đầu tiên tại An Giang thực hiện thí điểm mô hình cấp huyện và cũng là đơn vị đi đầu về thực hiện mô hình đạt 100% ở cấp xã. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả tích cực từ thực tiễn ở cơ sở.

Tạo được sự đồng thuận

Giữa năm 2017, thành phố Long Xuyên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang chọn là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư Thành ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thành phố.

Do đây là chủ trương được tỉnh An Giang triển khai thí điểm ở cấp xã tại nhiều địa phương, việc Long Xuyên được chọn để triển khai thí điểm cấp huyện đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ trong cán bộ và nhân dân.

Thành ủy Long Xuyên sau khi nhất thể hóa xong chức danh "2 trong 1" Bí thư Thành ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên, đã xây dựng và triển khai mô hình "Bí thư Đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND phường - xã" trên địa bàn thành phố.

Trước khi đẩy mạnh triển khai mô hình ra cả 13/13 phường, xã, Thành ủy Long Xuyên đã triển khai thực hiện thí điểm ở một vài phường, xã. Thành ủy đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khá cụ thể, nhờ đó việc triển khai được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đồng tình, ủng hộ.

Ông Phạm Thành Thái, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên cho biết: Khi triển khai ra các phường, xã, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai thực hiện có lộ trình hợp lý, nơi nào có đủ điều kiện sẽ làm trước, nơi còn khó khăn làm sau.

Năm 2017, thành phố đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND tại 3 phường xã và đến cuối năm 2018 đã thực hiện xong việc nhất thể hóa hai chức danh ở 13/13 phường xã trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của Thành ủy Long Xuyên, chủ trương nhất thể hóa "Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND" bước đầu giúp thành phố đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Bởi đồng chí Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND vừa là người tiếp thu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên vừa là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Từ đó, các nhiệm vụ chính trị tại địa phương được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.

Giảm bớt hội họp trong nội bộ

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang đã có tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Bước đầu, mô hình đã góp phần giúp các địa phương giảm bớt thời gian hội họp, tập trung công tác điều hành, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế của địa phương.

Bà Dương Thị Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Xuyên, thành phố Long Xuyên cho biết: Cái lợi đầu tiên khi nhất thể hóa hai chức danh là đã tinh giản được biên chế, tiết kiệm ngân sách; giảm được các cuộc họp bởi khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND, nhiều cuộc họp ở địa phương có thể tiến hành cùng lúc chứ không tổ chức riêng lẻ như trước.

"Công tác cải cách thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm cho người dân. Trước đây, các kiến nghị của người dân không được Chủ tịch UBND phường giải quyết, người dân tiếp tục có đơn thư, kiến nghị đến Bí thư. Nay Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường sẽ trực tiếp giải quyết các kiến nghị của người dân, từ đó tạo được niềm tin trong nhân dân", bà Dung nói.

Thời gian qua, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang đã thí điểm mô hình, đều hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Việc tiếp nhận và xử lý các kiến nghị của người dân luôn nhanh chóng, chính xác. Những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của khối chính quyền cũng được chủ động giải quyết một cách kịp thời. Từ đó, số cuộc hội họp được giảm bớt, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho ngân sách, góp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo ông Phạm Thành Thái, trong công tác chỉ đạo, điều hành, thời gian qua, thành phố đã giảm bớt hội họp trong nội bộ, do Bí thư cấp ủy khi tham gia xây dựng, đề ra chủ trương lãnh đạo nhiệm vụ của cấp ủy cũng là người tổ chức triển khai thực hiện ngay những chủ trương đó. "Việc xử lý các vấn đề vướng mắc trong tổ chức, tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của cán bộ và nhân dân từ đó cũng thực hiện nhanh hơn", ông Thái nói.

Các huyện, thành phố tại An Giang triển khai mô hình bước đầu đã phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy cũng như hiệu quả quản lý của chính quyền, khắc phục được tình trạng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm hay bao biện làm thay của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp hoặc chính quyền cùng cấp chưa thực hiện nghiêm nghị quyết của cấp ủy.

Bước đầu, mô hình đã giúp thành phố Long Xuyên tổ chức lại bộ phận tham mưu giúp việc chung cho cấp ủy. Bộ máy hành chính ở 13 phường, xã từng bước được sắp xếp tinh gọn. Sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nên hiệu quả hoạt động của bộ phận này được nâng lên.

Từ đó, việc giải quyết các kiến nghị của người dân được nhanh chóng, người dân luôn hài lòng khi đến làm việc ở các cơ quan công quyền. Năm 2017, năm đầu tiên triển khai mô hình, thành phố Long Xuyên có mức độ hài lòng và tương đối hài lòng của người dân là 70%, đứng đầu các huyện thị, thành trong tỉnh.

Hiệu quả từ cơ sở

Các huyện, thành phố tại An Giang sau khi triển khai thí điểm mô hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng tại các địa phương chuyển biến tích cực so với trước khi triển khai thí điểm. Việc nhất thể hóa "2 trong 1" góp phần làm cho bộ máy tinh gọn, dễ lãnh đạo, điều hành, dễ phối hợp thực hiện.

Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể cũng có sự gắn kết chặt chẽ, các chủ trương, nghị quyết được cụ thể hóa, phân công rõ ràng, công việc được triển khai thông suốt từ huyện xuống phường, xã đến tận các khóm; khắc phục được tình trạng áp đặt, mệnh lệnh, hành chính quan liêu. Nhiều vụ việc bức xúc, tồn đọng kéo dài do thiếu sự thống nhất trong nội bộ nay được giải quyết.

Bí thư, Chủ tịch UBND phường Đông Xuyên, thành phố Long Xuyên Dương Thị Ngọc Dung cho biết, các nhiệm vụ của phường được phân công rõ ràng nên công việc tiến hành nhanh, gọn, không triển khai riêng lẻ; các cuộc họp giao ban giảm nhiều so với trước, trong khi đó, công việc vẫn tiến hành nhanh, kịp thời và hiệu quả.

"Đối với những vấn đề nảy sinh trên địa bàn, Bí thư, Chủ tịch UBND phường đến tận nơi trực tiếp theo dõi, nắm bắt tình hình để có những phương án giải quyết phù hợp, tạo niềm tin cho người dân và không để tình trạng người dân thưa kiện kéo dài", bà Dương Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tỉnh An Giang đã làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị; nhất là chế độ, chính sách cho cán bộ kiêm nhiệm, cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Khi triển khai, tỉnh chủ trương sáp nhập một số cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cùng cấp tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Từ đó, mô hình đã đạt được những kết quả quan trọng.

Ông Phạm Thành Thái, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên cho biết, năm 2018, thành phố Long Xuyên đã hoàn thành 14/14 chỉ tiêu kinh tế, xã hội và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ông Thái khẳng định, mô hình khá phù hợp với thực tiễn ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay; bởi Bí thư - Chủ tịch là người vừa đứng đầu cấp ủy vừa đứng đầu chính quyền, nên việc tiếp thu, quán triệt và chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên được thống nhất, đồng bộ, thông suốt, nhanh chóng hơn.

Thời gian qua, mô hình đã giúp các huyện, xã tại An Giang thuận lợi trong việc đề ra chủ trương của cấp ủy đến việc cụ thể hóa các chủ trương. Cương vị Bí thư - Chủ tịch, khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát cũng gặp thuận lợi cả về mặt đảng và chính quyền; khắc phục nội dung bị chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm tra, giám sát giữa Đảng và Nhà nước; trong chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ.

Bài 2: Bài toán lựa chọn nhân sự

Thanh Sang (TTXVN)
Bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tiễn cho bí thư cấp ủy cấp huyện
Bồi dưỡng kiến thức lý luận và thực tiễn cho bí thư cấp ủy cấp huyện

Ngày 7/8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai giảng Lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương lần thứ nhất năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN