Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Điểu K’Ré, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong bối cảnh trong nước, quốc tế có nhiều biến chuyển lớn, bên cạnh những thuận lợi, có nhiều vấn đề lớn đặt ra, đòi hỏi cần có cách nhìn nhận để thay đổi cho phù hợp tạo ra bước phát triển, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đặt ra. Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp đã trở thành thường xuyên, tạo đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý địa bàn. Việc mở lớp đúng thời điểm khi nửa nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã diễn ra, là dịp để nhìn nhận lại việc quán triệt Nghị quyết XII của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết của Trung ương gần đây, nhằm cụ thể hóa, đưa ra những giải pháp, chính sách thực hiện những đột phá chiến lược, các nhiệm vụ trọng tâm của Văn kiện Đại hội XII.
Để lớp học đạt kết quả cao, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, các học viên cần tập trung sức lực và trí tuệ để hoàn thành tốt các nội dung chương trình của lớp học; đồng thời Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt mọi điều kiện về cơ sở vật chất để các học viên hoàn thành tốt chương trình học tập đề ra.
Đại diện học viên của lớp, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến đã nêu một số ý kiến giúp học viên tiếp thu hệ thống các kiến thức; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn các địa phương góp phần bổ sung kiến thức lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, công tác lãnh đạo quản lý, qua đó giúp các học viên sau khóa học sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, lớp thứ nhất năm 2018 gồm 57 học viên. Chương trình bồi dưỡng sẽ diễn ra trong vòng 3 tuần với 19 chuyên đề, 3 báo cáo bổ trợ cập nhật đầy đủ các nội dung. Các chuyên đề tập trung vào các giải pháp mang tính chiến lược như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII; Những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Cải cách hành chính công theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam…
Cùng với việc nghiên cứu các chuyên đề, học viên sẽ trao đổi, thảo luận các vấn đề từ thực tế địa phương như: Kỹ năng lãnh đạo, xử lý các tình huống chính trị, xung đột xã hội; một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý; xác định tầm nhìn và lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương của người lãnh đạo, quản lý..., từ đó tạo cơ sở để xây dựng chính sách chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng. Việc tổ chức các chuyến đi thực tế tại địa phương sẽ giúp các học viên tìm hiểu thiên nhiên, con người và cách thức hoạt động tại địa phương đó để tham chiếu vào địa phương mình, tìm hiểu cách lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn.