Bế mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 17/10, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 38.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành 4 ngày làm việc tập trung xem xét, cho ý kiến những nội dung chuẩn bị báo cáo tại Kỳ họp.

Còn ba ngày nữa sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan hữu quan bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong từng nội dung mà tại Phiên họp thứ 38 đã cho ý kiến để khẩn trương hoàn chỉnh các báo cáo đảm bảo chất lượng sớm gửi tới đại biểu Quốc hội nghiên cứu để chuẩn bị thảo luận tại Kỳ họp.

Đối với những nội dung chưa đủ căn cứ để quyết định, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về nội dung xem xét cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí thời gian họp để cho ý kiến sau.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tập trung cao độ hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu để gửi đến đại biểu Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp tục chủ động rà soát các điều kiện về cơ sở, thủ tục… bảo đảm công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 được sẵn sàng, chu đáo.

Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
 
Trước đó, chiều cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 theo chương trình tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, ngày 25/6/2015, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII đã có Nghị quyết số 94/2015/QH13 (gọi tắt là Nghị quyết 94) thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Những nội dung chính mà Chính phủ trình và Ủy ban Kinh tế có ý kiến đều là những nội dung thiết yếu cần xin ý kiến của Quốc hội theo Nghị quyết 94. Quốc hội sẽ quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ sẽ quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay…) là 111.689 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,779 tỷ USD.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tổng mức đầu tư theo báo cáo của Chính phủ chỉ là khái toán, tỷ giá là tạm tính. Theo Nghị quyết 94, Quốc hội đã giao Chính phủ quyết định tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 nằm trong tổng mức đầu tư của cả 3 giai đoạn.

Về điều chỉnh đất sử dụng cho quốc phòng, theo Nghị quyết 94, diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha. Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh, trong số 1.050 ha đất này, có 570 ha dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha dùng chung giữa quân sự và dân sự (đường băng số 4 và đường lăn).
 
Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định vấn đề này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ và cơ quan thẩm tra, nhưng đề nghị Chính phủ cung cấp đầy đủ hồ sơ để Quốc hội quyết định, trong đó có báo cáo thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước và ý kiến của Bộ Quốc phòng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội cần nêu rõ, diện tích 480ha dùng chung để xây dựng đường băng số 4 được ưu tiên cho hoạt động quân sự, nhất là công tác huấn luyện.

Chính phủ đề nghị bổ sung 2 tuyến đường giao thông kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gồm tuyến số 1 nối cảng với Quốc lộ 51 có quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối cảng với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây có quy mô 4 làn xe.

Tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng 2 tuyến đường này là khoảng 136ha. Đây là nội dung chưa được đề cập đến trong báo cáo tiền khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với sự cần thiết bổ sung nội dung này vào giai đoạn 1, nhưng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, tránh trường hợp phải bổ sung tương tự.

Về phương án huy động vốn, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ bản nhất trí rằng, Nghị quyết 94 đã giao thẩm quyền này cho Chính phủ nên Quốc hội không quyết định. Về hình thức đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là những nội dung đã được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng và đầy đủ, nên Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền, Quốc hội không quyết định.

Trên cơ sở đó, kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội. Các báo cáo cần cung cấp đầy đủ thông tin để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp, thành lập một số đơn vị hành chính
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp, thành lập một số đơn vị hành chính

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập hai phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN