Bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ

Ngày 2/9/1969, khi đi vào cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản Di chúc kết tinh những giá trị vô giá của tư tưởng và đạo đức của Người. 45 năm qua, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đảng, Nhà nước ta quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.


Những lời “để lại” cho Đảng, cho nhân dân


Nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, vào lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, Bác Hồ đã viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. Đến ngày 15/5/1965, bản Di chúc đầu tiên này hoàn thành, dài gần 3 trang, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn - lúc đó là Bí Thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng. Từ ngày 10/5/1965 đến lúc kết thúc viết Di chúc ngày 10/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung và viết lại. Ngày 10/5/1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay trên mặt sau của tờ Tin Tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam ra ngày 3/5/1969.

 

Di chúc của Bác Hồ lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969. Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 bảo đảm trung thành với bản gốc của Người.


Mặc dù nội dung của bản Di chúc chỉ hơn 1.000 từ nhưng chứa đựng “biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách” (lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Ôn lại từng câu, từng dòng trong bản Di chúc bất hủ, chúng ta càng thấy trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn tỉ mỉ không sót một việc nào, đó là đối với công tác xây dựng Đảng, đoàn kết dân tộc, đoàn viên, thanh niên, nhân dân lao động; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; những công việc cần làm sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; và cuối cùng là về việc riêng.


Trước hết, Bác nhấn mạnh truyền thống đoàn kết trong Đảng. Người căn dặn: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".


Đối với nhân dân lao động, Bác cho rằng, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Với phong trào cộng sản thế giới, Người mong muốn các đảng anh em đoàn kết, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau, nâng cao tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sau những lời căn dặn, Bác dành những dòng cảm động khi nói về mình: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Bác cũng căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.


Di chúc là văn kiện mang ý nghĩa thời sự sâu sắc và có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện, nó định ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai, đặc biệt là quan hệ với các đảng cộng sản anh em, với bạn bè quốc tế.


Phấn đấu thực hiện thắng lợi Di chúc của Bác


Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ mới, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới thành công. Gần 30 năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Những thành tựu về kinh tế, chính trị đã tạo nên bầu không khí dân chủ mới trong xã hội, tạo nên động lực mới, đưa đất nước không chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội mà còn vươn lên nhóm nước có mức thu nhập trung bình, làm thay đổi căn bản diện mạo kinh tế - xã hội của đất nước. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế mới và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.


Đảng ta đã thường xuyên coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của nhân dân ta. Qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều tiến hành nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, trên các mặt; tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức chính trị và ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và trong toàn xã hội.


Nhìn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta tự hào với những thành tựu to lớn, vẻ vang đã đạt được. Tuy nhiên, chúng ta thấy vẫn còn nhiều khuyết điểm, yếu kém, chưa thực hiện đầy đủ, hoặc chưa trọn vẹn nhiều điều Bác Hồ căn dặn. Kinh tế tăng trưởng tuy nhanh nhưng chưa vững chắc, chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa còn tồn tại những bất cập; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, vất vả. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Những hiện tượng đó nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.


Xin được kết lại bằng lời đánh giá của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ðọc lại những lời nói của Bác trong Di chúc, tôi có nhận thức sâu sắc như Bác đang nói với chúng ta, từ những cơ quan lãnh đạo tối cao đến toàn Ðảng, toàn quân và nhân dân. Chỉ có bằng việc làm đúng với Di huấn của Bác, kiên trì cuộc đấu tranh cách mạng đạt những thắng lợi về nhiều mặt đưa lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, thì mới xứng đáng với tấm lòng cao đẹp của Bác. Như vậy, Ðảng ta phải ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ. Mọi người chúng ta đều nhớ rằng, trong quá khứ, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và của Ðảng, nhân dân ta đã lớn lên như Thánh Gióng đời nay, vượt qua những thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi để làm nên thắng lợi chưa từng có trong lịch sử nước ta. Quá khứ như vậy, hiện tại và tương lai nhất định cũng sẽ như vậy. Tất cả tùy thuộc ở Ðảng ta và nhân dân ta vận dụng một cách sáng tạo và có phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại”.

 

Trần Tiến Duẩn

45 năm trước Bác Hồ  viết xong Di chúc
45 năm trước Bác Hồ viết xong Di chúc

Năm 1965, vào tuổi 75, Bác yếu đi nhiều. Có lẽ do cảm nhận rõ việc sẽ ra đi khó tránh của mình, nên từ tháng Năm, Bác đã bắt đầu việc viết Di chúc - một công việc mà Bác gọi là “Tuyệt đối bí mật” được tiến hành rất kín đáo trong nhiều năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN