Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Ngày 22/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị
quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dự
và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí
thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Tham dự hội nghị còn có nhiều đại
biểu của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên
giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ
Nội vụ và lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, 20 năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII, Kết luận số 37 của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Công tác cán bộ được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện đồng bộ, bài bản khách quan, dân chủ, gắn với việc tiếp tục sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức theo quy định của Trung ương và yêu cầu thực tiễn đặt ra cho thành phố.
Đặc biệt, các khâu công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Thực tế cũng cho thấy, trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả chiến lược cán bộ; đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở có cơ cấu ngày càng hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ; chất lượng được nâng lên từng bước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Thủ đô.
Cụ thể, sau mở rộng và điều chỉnh địa giới hành chính, cùng với việc kiện toàn, sắp xếp, củng cố tổ chức Đảng trực thuộc, đến nay Đảng bộ thành phố Hà Nội có 59 Đảng bộ trực thuộc với hơn 41 vạn đảng viên (chiếm khoảng 10% tổng số đảng viên của cả nước). Hiện tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý là 1.038 người; trong đó cấp thành phố có 586 đảng viên; cấp quận, huyện có 452 đảng viên.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, theo đó giảm 39 trưởng, 143 phó phòng, ban; giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban Quản lý dự án và Quỹ; sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 130 đơn vị trực thuộc sở…
Bên cạnh kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế như: Tính tiên phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt chậm được khắc phục; vẫn còn tư tưởng cục bộ, khép kín, mất đoàn kết nội bộ ở một số địa phương, đơn vị.
Một bộ phận cán bộ, công chức ý thức, phẩm chất, năng lực yếu, đùn đẩy trách nhiệm, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và công dân, thậm chí vi phạm kỷ luật phải xử lý. Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ cán bộ ở địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý, đồng bộ, còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”; năng lực thực tế, kiến thức về quản lý kinh tế, pháp luật của một số ít cán bộ chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; đội ngũ cán bộ tham mưu còn thiếu kỹ năng nghiên cứu; cán bộ ở một số ngành, lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu chậm được bổ sung kịp thời…
Một số ý kiến cũng đề cập một số vụ việc nổi cộm, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua, như vụ Châu Thị Thu Nga và đồng phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sai phạm liên quan đến việc chặt hạ cây xanh; vi phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực; điểm "nóng" Đồng Tâm... Cơ quan chức năng đã làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác cán bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương trong suốt 20 năm qua rất bài bản. Đặc biệt, Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương trong giai đoạn đặc thù hợp nhất giữa Hà Nội và Hà Tây (cũ).
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng ghi nhận nhiều tham luận của đại biểu tại hội nghị rất sát với thực tế; trong đó tham luận của đại biểu đến từ Quận ủy Long Biên về công tác đánh giá cán bộ, kinh nghiệm từ công tác đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ... là bài học để các địa phương triển khai, đúc rút kinh nghiệm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Đồng quan điểm trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải biểu dương và đánh giá cao các chi, đảng bộ trực thuộc đã nghiêm túc triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Trung ương trong thời gian qua, đặc biệt là triển khai Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan có đặc điểm riêng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị các đơn vị tiếp tục tiếp thu các chỉ đạo sát sao của Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Các cấp ủy Đảng cần làm tốt công tác cán bộ, quản lý, có phân cấp, phân công; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, lắng nghe, đề cao trách nhiệm người đứng đầu… Bên cạnh đó, cần đổi mới, thực hiện hiệu quả các khâu của công tác cán bộ để tìm ra cán bộ có tâm, có tài, có tầm.
Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, cải tiến, rút ngắn, hợp lý hóa, đồng bộ quy trình các khâu của công tác cán bộ; trước mắt là quy định về phân cấp quản lý cán bộ, về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; về đánh giá cán bộ, công chức...
Với đặc thù của Đảng bộ thành phố, Hà Nội kiến nghị Trung ương tăng thêm số lượng cán bộ luân chuyển (giữ chức vụ Phó Bí thư và Phó Chủ tịch UBND cấp huyện); tăng số lượng cấp phó ở một số quận, huyện, sở, ngành đặc thù, có vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô; quan tâm luân chuyển, điều động, giữ các vị trí chủ chốt các cơ quan Trung ương và các địa phương; tăng cường đào tạo cán bộ tại chỗ và lâu dài.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu, tự nguyện xin ra khỏi biên chế khi thực hiện tinh giản theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị…
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.