Với những cống hiến to lớn đó, Đảng ta vô cùng xứng đáng với lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại”.
Nhìn lại lịch sử từ giữa thế kỷ XIX khi đất nước ta chưa có Đảng lãnh đạo để thấy, mặc dù nhân dân ta, dân tộc ta đã dũng cảm vùng lên không chịu khuất phục trước sự xâm lược, áp bức, đè nén của chủ nghĩa thực dân nhưng không thành công. Điển hình như cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Ngày 3/2/1930, sau gần 20 năm đi tìm đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc; là bước ngoặt vĩ đại, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX và cũng là điểm mở đầu quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự phát triển của dân tộc trong các giai đoạn sau này.
Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), để đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám "long trời, lở đất", lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà vào ngày 2/9/1945.
Và ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, cách mạng cùng một lúc phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trên cơ sở đường lối kháng chiến "toàn dân", "toàn diện", "trường kỳ", "dựa vào sức mình là chính", phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "không có gì quý hơn độc lập, tự do"; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".
Sau ngày giang sơn thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta, từ Đại hội VI trở đi, xuất phát từ sáng kiến và nguyện vọng của nhân dân, đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới chưa từng có tiền lệ trên đất nước ta.
Thực tế, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; chính trị-xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.
Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 91 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân. Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.