Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Minh Chính chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang 80 năm qua.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng gợi ý làm rõ thêm một số bài học kinh nghiệm như: Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; lãnh đạo toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện có hiệu quả; kiên quyết kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân; chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí, luôn khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, học hỏi...
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đắk Lắk phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, năng động, sáng tạo, nhưng đặc biệt không được thỏa mãn, chủ quan, nóng vội, mất cảnh giác. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân; có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử, giữ gìn vốn văn hóa phong phú đa dạng và đậm đà bản sắc của địa phương, đưa các giá trị văn hóa tỉnh Đắk Lắk thành nguồn lực để phát triển. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ nội lực, đồng thời tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài; dựa vào dân và xuất phát từ lợi ích của dân; nhanh chóng đưa Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững...
Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đắk Lắk tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, coi trọng và thực hiện thật tốt các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt, do vậy phải thường xuyên quan tâm và chăm lo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, coi đó là yếu tố quyết định cho mọi thắng lợi; chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ trẻ.
Đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý, tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển kinh tế, xem đây là nhiệm vụ trung tâm; trong đó, lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh. Tỉnh cần phân tích sâu sắc, xác định, nhận diện rõ hơn những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương trong tương quan chung của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Trên cơ sở đó, xây dựng mục tiêu, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo động lực phát triển cho Tỉnh trong thời gian tới...
Đắk Lắk cần giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc xem đây là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng... Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, do vậy Đắk Lắk cần chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam; tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội... Cùng với đó, tỉnh tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, trên cơ sở xây dựng Đắk Lắk thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng...
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhấn mạnh: Tại Đắk Lắk, cuối năm 1940, trước yêu cầu mới của cách mạng, một số tù nhân tại Nhà đày đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản - chi bộ đầu tiên ra đời tại tỉnh. Sự kiện Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời của tỉnh Đắk Lắk là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại tỉnh. Từ đây, phong trào cách mạng gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, là yếu tố quyết định để phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, đỉnh cao của phong trào đấu tranh là cuộc mít tinh giành chính quyền của hơn 3.000 nhân dân các dân tộc, thanh niên, học sinh, viên chức, nhân sĩ trí thức và đồng bào các dân tộc Êđê, M’Nông, Gia Rai ngày 24/8/1945, góp phần cùng nhân dân cả nước giành được chính quyền trong Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra một mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc.
Sau khi giành được chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế, diệt giặc đói, giặc dốt, đồng thời chuẩn bị chống Pháp quay trở lại xâm lược. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Đảng bộ và quân dân Đắk Lắk đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, chịu đựng nhiều tổn thất hy sinh, bền bỉ đấu tranh giành được nhiều thắng lợi. Tiêu biểu nhất là chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong chặng đường 45 năm cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975-2020), Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ hết sức nặng nề: khắc phục hậu quả chiến tranh; phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và củng cố chính quyền các cấp; đập tan các hành động xâm lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam; thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, cùng cả nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu, đến nay Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. GRDP bình quân đầu người gần 55 triệu đồng vốn đầu tư toàn xã hội có sự phát triển vượt bậc với hơn 56 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 34 nghìn tỷ đồng; từ tỉnh thiếu lương thực đến nay, lương thực bình quân đầu người đạt gần 700kg/người. Toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở y tế với gần 6 nghìn giường bệnh; hơn 1 nghìn trường học từ tiểu học đến THPT với hơn 28 nghìn giáo viên, có 8 trường trung cấp, 6 trường cao đẳng, 2 trường đại học.
Hệ thống giao thông đường không, đường bộ khá thuận lợi, với sân bay Buôn Ma Thuột và hệ thống các quốc lộ 14, 26, 27, 29 kết nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước. Hệ thống giao thông đến các huyện, xã ngày càng được cải tạo, nâng cấp, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc...
Trải qua quá trình chia tách để thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (2004), đến nay Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 742 tổ chức cơ sở đảng với hơn 82 nghìn đảng viên.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường nêu rõ: Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra đó là: xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Đắk Lắk cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên. Năm 2045, xây dựng tỉnh Đắk Lắk thực sự là trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức khá của cả nước.