Trong bối cảnh đó, cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo, đột phá mang tính “xé rào” để đưa thành phố vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Từ “lo ăn từng bữa cho dân”...
Với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cuộc chiến tranh xâm lược và thống trị của thực dân Pháp - đế quốc Mỹ đã lại hậu quả rất nặng nề trên nhiều mặt khác nhau. Những năm đầu sau giải phóng, Thành phố phải đương đầu và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức rất lớn cả khách quan lẫn chủ quan để bảo vệ, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội và khôi phục, xây dựng kinh tế. Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh) cho biết: Một thành phố lớn là đô thị trung tâm của cả miền sau ngót hàng trăm năm thống trị của thực dân, đế quốc đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề sau chiến tranh. Tình hình chính trị, an ninh, trật tự xã hội hết sức phức tạp.
Trong thời kỳ này, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã lãnh đạo chính quyền cách mạng và nhân dân tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng ổn định tình hình chính trị xã hội, lập lại trật tự an ninh, tiếp quản các cơ quan, cơ sở kinh tế, văn hóa, tổ chức quản lý, điều hành, đảm bảo trật tự giao thông, đảm bảo các phương tiện sinh hoạt cho cuộc sống: điện, nước, vệ sinh… hoạt động bình thường.
Trong khó khăn, lãnh đạo thành phố có lúc phải trực tiếp đi đến các địa phương “chạy ăn từng bữa” cho nhân dân. Vào những năm đầu thống nhất, tuy nằm ngay cạnh vựa lúa lớn nhất của cả nước - Đồng bằng sông Cửu Long, người dân thành phố vẫn không có gạo để ăn. Trước thực tế ấy, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố lúc đó là đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố đã quyết định lập một “Tổ thu mua gạo” do bà Ba Thi (bà Nguyễn Thị Rào - Phó Giám đốc Sở Lương thực thành phố - PV) đứng đầu để về Đồng bằng sông Cửu Long thu mua gạo cho người dân thành phố. Nhờ sự sáng tạo này, “Tổ thu mua gạo” đã cứu đói cho hơn 3,5 triệu người dân thành phố. Cũng từ mô hình này, Nhà nước nghiên cứu, ban hành quy định mới về cho phép thực hiện cơ chế hai giá trong buôn bán lương thực, mở ra việc lưu thông hàng hóa ngày càng tốt hơn.
Trong giai đoạn này, thực hiện chủ trương của Đảng, những căn dặn của Bác trong Di chúc, Đảng bộ thành phố đã tiến hành củng cố chính quyền cách mạng, cải tạo ngụy quân, ngụy quyền với hàng chục vạn người, thẳng tay trấn áp bọn tội phạm, phản động, giữa vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Các mặt văn hóa, hoạt động văn nghệ cũng được khôi phục và tổ chức lại cho phù hợp với tình hình mới.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ từ bên ngoài, yếu kém, què quặt, hơn 100.000 ha đất nằm trong vùng vành đai trắng bị hoang hóa, chính quyền thành phố vừa phải lo “chạy ăn từng bữa” cho 3,5 triệu dân, vừa phải tìm cách để có nguyên vật liệu khôi phục sản xuất và tháo gỡ những rào cản của cơ chế tập trung quan liêu bấy giờ… Với sự năng động, sáng tạo, người dân thành phố không chỉ tự cứu mình mà còn góp phần xây dựng đường lối đổi mới, đưa đất nước vượt qua khủng khoảng, chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
… đến khai mở các chính sách mới
Sau những ngày giải phóng, trước tình hình kinh tế đang khủng khoảng, sa sút, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chủ động tìm hướng đi mới để thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
Đánh giá về 10 năm sau giải phóng của thành phố, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh) nhận định: Đảng bộ thành phố với tinh thần cách mạng kiên cường, truyền thống năng động sáng tạo và bản lĩnh của “một thành phố anh hùng” đã lãnh đạo nhân dân mạnh dạn từng bước “bung ra”, thoát từ cơ chế cũ, rồi nhạy bén tìm tòi, nghĩ ra những hướng đi mới để tiến tới “xé rào, đột phá” đưa sản xuất của nhiều ngành kinh tế phát triển. Với nhiều cố gắng trong cách làm mới, kinh tế thành phố bắt đầu phát triển, tăng trưởng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phục hồi sản sản xuất, năng suất tăng lên.
TP Hồ Chí Minh bằng những hoạt động năng động sáng tạo để tự cứu mình đã góp công đầu để cả nước vượt qua khủng hoảng và chuyển từ “nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp” sang “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước”.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, trong 5 năm đầu đổi mới (1986 -1990), Đảng bộ lãnh đạo nhân dân nỗ lực đưa kinh tế thành phố từng bước vượt qua cơn khủng hoảng và bắt đầu tăng trưởng. Thành phố đã tạo ra những bước đột phá quan trọng trong cơ chế, chính sách kinh tế, góp phần hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách đổi mới kinh tế đất nước.
Đảng bộ, nhân dân thành phố đã có những bước đột phá, tháo gỡ vướng mắc, đấu tranh và từng bước chiến thắng những trở lực của cơ chế cũ, làm sáng tỏ dần đường đi và cách làm mới, tư duy mới. Từ một thành phố tiêu thụ, các tệ nạn xã hội, thất nghiệp tràn lan, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chủ yếu phục vụ chiến tranh. Sau thời gian khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu, xây dựng xã hội mới, đời sống văn hóa mới, đã từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trở nên là một thành phố sản xuất - kinh doanh với lớp lao động mới. Đó thực sự là một quá trình thực hiện điều Bác căn dặn trong Di chúc: "Đầu tiên là công việc đối với con người”.
TP Hồ Chí Minh đã đi trước, mở đầu cả nước trong sự nghiệp đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề, nền tảng cho đường lối đổi mới nền kinh tế đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với tinh thần năng động sáng tạo đi trước, dẫn đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh còn tiên phong trong xây dựng, phát triển nhiều mô hình kinh tế như mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển các quỹ đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật; có các chính sách nhằm phát triển thị trường vốn, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, bất động sản…
Ngày nay, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đang phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2018 hơn 8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 78 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư đạt hơn 7 tỷ USD, quy mô nền kinh tế thành phố đạt 57 tỷ USD và đóng góp tới 23% GDP quốc gia. Cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 62,4%, công nghiệp và xây dựng chiếm 22,8% phần còn lại là nông nghiệp và các ngành khác. Thành phố đặt mục tiêu đóng góp 27-28% ngân sách quốc gia và đóng góp vào 1/4 tổng sản phẩm quốc nội.
Để tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của mình, TP Hồ Chí Minh xác định cần phải tăng tốc chuyển đổi mô hình nền kinh tế với hai trụ cột chủ lực đó là dịch vụ hàm lượng giá trị gia tăng cao và công nghiệp mà bệ phóng của nó phải là đổi mới sáng tạo xuất phát từ lực lượng lao động có tri thức và tay nghề cao. Những chiến lược này được cụ thể hóa bằng Đề án đô thị thông minh và một cấu phần của nó là khu đô thị sáng tạo với mô hình viện - trường - startup, các khu công nghệ cao, công viên phần mềm, trung tâm công nghệ sinh học, khu chế tạo. Khu vực sáng tạo này sẽ là nơi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công nghệ nano (nano technology), trí tuệ nhân tạo (AI), robotics… Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo dựng một môi trường tốt để đẩy mạnh sáng tạo.
Nhận định về vai trò, đóng góp của TP Hồ Chí Minh đối với cả nước, Nghị quyết số 20 - NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/11/2002 đã nêu rõ: “Thành phố duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao; cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch đúng hướng; có những ảnh hưởng và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực và của cả nước; năng động, sáng tạo và có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập kinh tế nước ta vào kinh tế khu vực và thế giới”.
Bài 3: Chăm lo tốt đời sống nhân dân