Đây là hội thi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra từ 18 - 20/9.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc, tập trung tại một địa điểm (các kỳ Hội thi trước tổ chức theo 2 khu vực phía Bắc và phía Nam). Đặc biệt, Hội thi lần này được tổ chức sau hơn 2 năm triển khai Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Hội thi không chỉ là việc lựa chọn, công nhận giảng viên dạy giỏi, mà còn là cơ sở khẳng định thành tích, kinh nghiệm trong tổ chức quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây cũng là căn cứ để đánh giá thực trạng giảng viên, giúp cho Học viện, các Tỉnh ủy, Thành ủy, các trường chính trị có cái nhìn toàn diện, đầy đủ và chính xác hơn, để chúng ta xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Để Hội thi đạt kết quả tốt, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, các giảng viên nên coi đây là một vinh dự lớn và là cơ hội để thể hiện tài năng, phát huy cao nhất khả năng, kinh nghiệm chuyên môn của mình để thực hiện tốt nội dung bài giảng. Hội thi là minh chứng sống động khẳng định sự tâm huyết, nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn.
Chào mừng các thi sinh dự thi, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, Hội thi không chỉ là cơ hội để các thí sinh khẳng định mình mà còn là dịp để thúc đẩy sự phát triển về chất của việc dạy và học lý luận chính trị trong tình hình mới, trước yêu cầu và thử thách mới. Lãnh đạo Thành phố chúc các thí sinh tham dự hội thi phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện tốt nhất năng lực kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh tự tin và sự thuyết phục của mình.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, để trở thành một giáo viên lý luận dạy giỏi, xuất sắc thì không chỉ có lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề mà còn là tấm gương trong cuộc sống lao động, học tập, nghiên cứu, rèn luyện hết sức công phu và nghiêm túc. Chúng ta luôn tự hào về những nỗ lực không mệt mỏi đó của đội ngũ thầy giáo, cô giáo giảng dạy lý luận chính trị.
Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị được tổ chức định kỳ 5 năm 2 lần và trở thành sự kiện quan trọng, là ngày hội thi đua thao giảng lớn của các thầy giáo, cô giáo trường chính trị cấp tỉnh. Hội thi năm 2023 quy tụ 130 giảng viên của 63 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị dự thi.
Tại Hội thi, các giảng viên dự thi thực hiện 3 nội dung thi: thi giáo án, thi viết và thi giảng. Kết quả thi là điểm trung bình của 3 phần thi; trong đó, phần thi giảng được tính điểm hệ số 3, thi viết và thi chấm giáo án hệ số 1. Điểm khoa học là điểm quy đổi công trình khoa học được nghiệm thu hoặc công bố giữa hai kỳ Hội thi của giảng viên dự thi, là điều kiện để Hội đồng Giám khảo xếp loại danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”, “Giảng viên dạy xuất sắc”.
Ngoài các nội dung thi, trong khuôn khổ Hội thi còn diễn ra nhiều hoạt động phong phú, sinh động, thiết thực như: Dâng hương, về nguồn thăm Bến cảng Nhà Rồng; triển lãm ảnh, thành tựu của Học viện, của Thành phố Hồ Chí Minh, trưng bày sách xưa và nay; gala với chủ đề “Kết nối - chia sẻ - phát triển” giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với các trường chính trị; tham quan thành phố…