Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, tham dự.
Hội thi lần này thu hút 140 giảng viên từ 74 trường chính trị, trường bộ, ngành tham gia, được tổ chức riêng rẽ tại khu vực phía Bắc và phía Nam. Hội thi khu vực phía Bắc được tổ chức tại Bắc Ninh, thu hút 75 giảng viên của 40 trường chính trị, trường bộ, ngành.
Các thí sinh dự thi ở 3 nội dung gồm thi giáo án, thi viết và thi giảng. Kết quả bài thi là điểm trung bình của 3 phần thi, trong đó phần thi giảng được tính điểm hệ số 3.
Sau ba ngày tranh tài sôi nổi Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trao Bằng khen cho 20 giảng viên đạt thành tích xuất sắc; 20 giảng viên được tặng danh hiệu "Giảng viên dạy giỏi xuất sắc" và 52 giảng viên được tặng danh hiệu "Giảng viên dạy giỏi".
Phát biểu bế mạc hội thi, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá: Hội thi đã diễn ra nghiêm túc, với trách nhiệm rất cao, công tâm và khách quan của Hội đồng Giám khảo, các tiểu ban cũng như sự hào hứng của thí sinh. Hội thi đã làm sâu sắc thêm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cuộc thi góp phần khắc phục tình trạng lười học lý luận, ngại học tập lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng mong muốn, thời gian tới, các giảng viên dạy giỏi tại hội thi cần tiếp tục phấn đấu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, trở thành hạt nhân nòng cốt, giảng viên mẫu mực, có uy tín cao của mỗi trường, có sức lan toả mạnh mẽ đối với đồng nghiệp và học viên. Bên cạnh đó, các trường cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy phong trào "dạy tốt, học tốt", với phương châm thi đua là "Đoàn kết - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả" để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Bên cạnh đó, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, các trường cần có kế hoạch cụ thể và duy trì nền nếp tổ chức hoạt động thao giảng, dự giờ, tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Căn cứ vào công tác thao giảng để đánh giá, phân loại chất lượng giảng viên, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trước mắt và lâu dài để có được đội ngũ giảng viên đạt chuẩn. từ đó góp phần xây dựng trường chính trị chuẩn phục vụ công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của địa phương và cả nước, nâng cao vị trí, vai trò của các trường chính trị.