Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12. Luật có nhiều điểm mới, thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh. Một điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề đó là Luật đã quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện.
"Đây là một nội dung quan trọng, thể chế hóa Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là bước đột phá trong hội nhập quốc tế, là hoạt động thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khỏe và nâng cao chất lượng người hành nghề, đáp ứng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, mặc dù quy định này sẽ tạo thêm áp lực cho người mới ra trường, phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực" Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Luật quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Đồng thời, Luật cụ thể hóa một số nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quy định cụ thể trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…; bổ sung một số nội dung về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc Luật quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của người hành nghề, trong bối cảnh hoạt động hành nghề và cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh không qua hình thức thi đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần phải được khắc phục. Bên cạnh đó, thực trạng chất lượng đào tạo y khoa còn chưa cân đối, chưa bảo đảm mặt bằng chất lượng, chuẩn năng lực đầu ra giữa các cơ sở đào tạo. Vì thế, mô hình Hội đồng y khoa là cơ chế hiệu quả, linh hoạt, tiết kiệm để huy động sự tham gia và tận dụng, kết hợp hiệu quả nguồn lực chung; đồng thời phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết: Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2027 sẽ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sỹ; từ ngày 1/1/2028 đối với các chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh; từ ngày 1/1/2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng. Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.
Để Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thực thi theo đúng lộ trình, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu các vụ, cục thuộc Bộ Y tế khẩn trương xây dựng nội dung Nghị định, Thông tư, Quyết định, các đề án đã được phân công bảo đảm đúng tiến độ để có thể thực thi Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngay khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương có liên quan tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn, đề án có liên quan, bảo đảm quy định hướng dẫn chi tiết có tính khả thi, phù hợp, có chất lượng, đúng quy định của Luật.
Các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân xây dựng kế hoạch, tiếp tục phổ biến các nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm người hành nghề, tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hiểu đúng, làm đúng theo các quy định pháp luật về Khám bệnh, chữa bệnh; đề xuất giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình thực hiện...