Thu nhập chưa đảm bảo đời sống
Chiều 6/11, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát về tình hình triển khai, củng cố "Nâng cao năng lực y tế cơ sở - chăm sóc sức khỏe toàn dân" với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và UBND TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nâng cao năng lực y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng, hướng đến chăm sóc sức khoẻ toàn diện người dân Thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế Thành phố. Năng lực khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở ngày càng được cải thiện, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tạo niềm tin và thu hút người dân đến với tuyến y tế cơ sở.
Theo đó, hệ thống y tế cơ sở được củng cố và kiện toàn về cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế tuyến cơ sở. Nhiều chế độ, chính sách đã được Thành phố ban hành nhằm thu hút và giữ chân nhân viên y tế tuyến cơ sở.
Cụ thể, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế như thu hút, tuyển dụng người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế tham gia công tác tại trạm y tế; triển khai chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế của các bác sĩ trẻ theo chương trình 18 tháng; tăng cường sự hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện cho hoạt động trạm y tế thông qua kết nối hội chẩn từ xa với các chuyên gia của các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố; ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thời gian qua, ngành y tế có nhiều sáng kiến để giúp cho y tế cơ sở càng ngày càng tốt hơn. Thành phố cũng có nhiều chương trình thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại tuyến y tế cơ sở nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn giải pháp lâu dài là chính sách giữ chân nhân viên y tế và đây thực sự là một bài toán khó.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết dẫn chứng, thực tế hơn 10 năm qua, Bệnh viện Hùng Vương đã đưa nhân viên y tế xuống hỗ trợ cho huyện Cần Giờ để khám sản phụ khoa cho người dân; đồng thời đào tạo cho nhân viên y tế ở đây. Tuy nhiên, việc đào tạo cho nhân viên y tế như “bắt cóc bỏ dĩa”, bởi nhân viên tuyến y tế cơ sở được đào tạo xong thì họ lại nghỉ việc, sau đó tiếp tục đào tạo đợt khác thì cũng diễn ra tương tự. Cuối cùng, hiện nay, huyện Cần Giờ vẫn không có nhân sự.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến tháng 10 năm 2023 đã có 1.054 nhân viên y tế làm việc ở các bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế nghỉ việc. Cụ thể, tại bệnhh viện tuyến quận, huyện có 688 người nghỉ việc, trong đó có 220 bác sĩ, 327 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và chức danh khác là 141 người. Còn tại Trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức có 366 người nghỉ việc, trong đó có 79 bác sĩ; điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là 116 người và chức danh khác 171 người.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân viên chức y tế xin thôi việc có nhiều lý do khác nhau và hầu hết thôi việc vì lý do hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị, việc giải quyết thôi việc theo nguyện vọng cho các viên chức vì nhiều lý do như: áp lực công việc, không đảm bảo sức khỏe, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19; mức thu nhập thấp; nhà xa; chuyển sang làm việc tại các đơn vị khác, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân có thu nhập cao hơn hoặc để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề.
Tạo điều kiện cho bác sĩ ở y tế cơ sở được học tập
Theo bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, bác sĩ mới ra trường thích về bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện chuyên khoa hơn về tuyến y tế cơ sở, bởi bên cạnh nguồn thu nhập ổn định hơn thì họ có thêm cơ hội học tập nâng cao tay nghề khi làm việc tại đây; còn nếu về tuyến y tế cơ sở thì hầu như họ không có cơ hội học tập này.
"Học cùng một lớp y khoa ra trường nhưng bác sĩ về bệnhh viện Trung ương hoặc chuyên khoa thì 10 năm sau có thể trở thành PGS.TS, còn nếu về y tế cơ sở thì họ vẫn mãi chỉ là bác sĩ", Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương so sánh.
Theo đó, để giữ chân nhân viên y tế làm việc lâu dài tại tuyến y tế cơ sở, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo cho các y, bác sĩ làm việc ở tuyến y tế cơ sở. Chẳng hạn, một bác sĩ khi làm việc tại y tế cơ sở sau một năm họ được đào tạo ngắn hạn như thế nào và bao nhiêu năm được đi học sau đại học. Điều này phải công khai, minh bạch thì mới tạo được niềm tin cho bác sĩ mới ra trường sẵn sàng về y tế cơ sở phục vụ.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các y bác sĩ cơ sở đạt được các danh hiệu, chức vụ như thầy thuốc ưu tú hay PGS.TS. Bởi một bác sĩ đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối thực hiện đề tài khoa học rất dễ nhưng với một bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở thì rất khó, bởi không có người hỗ trợ để làm đề tài nghiên cứu khoa học.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị với Bộ Y tế, bên cạnh chính sách tăng thu nhập giúp đời sống nhân viên y tế không bị sụt giảm, cần tạo cơ hội học tập, phát triển năng lực chuyên môn, quan hệ quốc tế; được đào tạo các kỹ thuật, dịch vụ mới phục vụ công việc hiệu quả; đồng thời sớm ban hành thông tư quy định các chính sách về hỗ trợ thu nhập, đào tạo cho nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở.