TS. Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết: Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 thì cá nhân người nước ngoài không phải là chủ thể sử dụng đất, cho nên không thể là nhà đầu tư xây dựng nhà ở như công dân Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là, họ không được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất để đầu tư tạo lập nhà ở, không được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014, người sở hữu nhà ở bao gồm cá nhân người nước ngoài, mà người có quyền sở hữu nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với Khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 khẳng định nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng là phải gắn với quyền sử dụng đất.
Theo TS Trần Quang Huy, vấn đề đặt ra là, khi người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam nhưng lại không có quyền sử dụng đất, thì làm sao thực hiện việc mua bán nhà gắn liền với quyền sử dụng theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản? Về nguyên tắc, người có quyền sở hữu nhà ở phải gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Khi thực hiện việc mua bán nhà ở phải gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
“Tại Điều 5 của Dự thảo Luật Đất đai nên bổ sung một chủ thể có quyền sử dụng đất hạn chế, không phải với mọi loại đất để đầu tư kinh doanh, mà là cá nhân người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Đồng thời tại Điều 47 của Dự thảo Luật đất đai có thêm một khoản quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của cá nhân nước ngoài khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam”, TS. Trần Quang Huy kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiện nay Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang có “xung đột” về quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài với quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài. Theo đó, Luật Nhà ở thừa nhận người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở nhưng Luật đất đai không thừa nhận người nước ngoài có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.Vì vậy, chính sách khuyến khích cá nhân nước ngoài mua nhà ở sẽ không thể thực hiện trọn vẹn nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề chứng nhận quyền sở hữu. Để giải quyết tận gốc, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần thiết phải ghi nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.
“Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung các quy định cụ thể tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bởi việc bổ sung này vừa tạo điều kiện thông thoáng cho cá nhân nước ngoài mua nhà ở và sở hữu nhà ở, vừa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ quốc phòng, an ninh. Theo đó, cần bổ sung “cá nhân nước ngoài” hoặc “người nước ngoài” là một đối tượng sử dụng đất vào Điều 6 dự thảo Luật Đất đai quy định về “Người sử dụng đất””, ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.
Tương tự, bà Châu Phụng Chi, Phòng Tài nguyên - Môi trường Quận 1, TP Hồ Chí Minh cũng băn khoăn vấn đề về người sử dụng đất đối với cá nhân là người nước ngoài. Theo quy định tại điều 5 dự thảo thì "cá nhân người nước ngoài" không được xem là người sử dụng đất, không được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quy định này còn có điểm chưa phù hợp với các văn bản pháp luật khác. Cụ thể là Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.