Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đề xuất không thu tiền thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Theo góp ý của các chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần mở rộng đối tượng được nhà nước giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất sang các đơn vị công lập tự chủ tài chính, đặc biệt là đơn vị công lập tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Chú thích ảnh
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được hình thành từ thời Lý, đến nay trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước. Ảnh: TTXVN.

Khó khăn bố trí kinh phí

Theo Điều 56, Luật Đất đai 2013, kể từ tháng 7 năm 2014, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính như Trường Đại học Luật Hà Nội chuyển từ "được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất" sang "được nhà nước cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất". Nhưng kể từ 2014 đến nay, đã 9 năm, Đại học Luật Hà Nội cũng như nhiều đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính trên cả nước hoặc rất khó thu xếp nguồn để nộp tiền thuê đất hoặc chưa nộp tiền thuê đất.

Ông Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết: Theo quy định tại Điều 118 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính mà sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp sẽ thuộc nhóm trường hợp “Giao đất không thu tiền sử dụng đất.”
Trong khi đó, tại Điều 119 của Dự thảo Luật quy định về “Giao đất có thu tiền sử dụng đất” cũng không đề cập đến các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình phải nộp tiền sử dụng đất.

Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp không thuộc đối tượng nào được quy định tại Điều 118 và Điều 119 của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Tức là sẽ thuộc đối tượng “cho thuê đất,” bởi khoản 1 Điều 120 của Dự thảo Luật quy định: “Nhà nước cho thuê đất đối với các trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 118 và Điều 119 của luật này".

Với quy định trên, ông Kiên cho rằng các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ. Bởi các đơn vị này có nguồn thu chủ yếu vẫn là nguồn thu từ học phí của người học (như các nhà trường) hay nguồn thu viện phí của người khám chữa bệnh (bệnh viện)...

“Nếu bây giờ chúng tôi phải thuê đất và trả tiền thuê đất thì không có cách nào khác, trường sẽ phải tính tiền này vào chi phí đào tạo và như thế mức thu học phí theo quy định hiện nay là chưa đáp ứng được”, ông Kiên cho biết.

Thực trạng trên có thể dẫn đến việc người học, người khám chữa bệnh và cộng đồng xã hội sẽ phản ứng; an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng và các hệ lụy xã hội sẽ nảy sinh.

Tương tự, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị sự nghiệp công lập đang tự chủ chi thường xuyên và đang quản lý, sử dụng 5,4 ha đất. Đại diện đơn vị cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không nên đưa các đơn vị sự nghiệp công lập vào diện phải nộp tiền thuê đất, sử dụng đất.

Đại diện đơn vị này cho biết, đơn vị hiện không có nguồn kinh phí cho Chúng tôi không có nguồn kinh phí đóng cho việc nộp tiền thuê đất, sử dụng đất vì tiền thu từ vé tham quan đã phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo qui định.

Không thu tiền thuê đất là hợp lý

Theo Luật sư Nguyễn Văn Trung, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, việc cho thuê đất, giao đất không thu tiền thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính là khá hợp lý. Bởi các đơn vị sự nghiệp công lập hàng năm đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của nhà nước, nghĩa là đã nộp ngân sách, đóng thuế….

Nếu tiếp tục thu tiền thuê đất thì sẽ gây khó cho các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập vì đa phần họ hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước, phục vụ cộng đồng nên không có nguồn thu khác để bổ sung khi phải nộp tiền thuê đất. 

Theo ông  Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam, Luật đất đai năm 2013 chỉ 7 đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất trong đó có  quy định các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; Tuy nhiên, tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành rất nhiều trường hợp được đối tượng được miễn toàn bộ tiền thuê đất, miễn tiền thuê đất có thời hạn, giảm tiền thuê đất.

Như vậy, việc xác định đối tượng, trường hợp được miễn giảm đến nay đã xác định được rõ, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm các đối tượng, trường hợp được miễn giảm để đồng bộ, tránh trường hợp Luật quy định ít nhưng Nghị định lại mở ra quá nhiều.

Theo ông Cường, do miễn và giảm tiền thuê đất là quy định cho 2 nhóm đối tượng khác nhau nên cần thiết phải tách thành 2 Điều về chính sách miễn và giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và bổ sung đối tượng được miễn giảm.

Trên cơ sở đó, ông Cường đề xuất bổ sung, xem xét miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất của các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đã được phê duyệt đề án liên doanh, liên kết, cho thuê dưới hình thức đấu giá.

“Nguồn thu này được coi là ngân sách cấp thì nên giản tiện thủ tục hành chính khi các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính phải vòng qua cơ quan thuế thay vì ghi thu, ghi chi ngân sách tại đơn vị sự nghiệp công lập,” ông Cường cho hay.

Liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất, ông Trần Tấn Hùng, nguyên Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, ngoài đất thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập không thu tiền thuê đất đất tôn giáo nên thực việc giao đất không thu tiền sử dụng đất tại đây. Bởi tổ chức tôn giáo còn nhiều hoạt động khác như: trường đào tạo tu sĩ, trường đào tạo chức sắc. Ngoài ra còn những hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện xã hội…

Vì vậy, cũng như các đơn vị công lập, hành chính sự nghiệp không thu tiền thuê đất cho các trụ sở cơ quan thì trụ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự cũng không thu tiền sử dụng đất. Đối với những phần đất còn lại mà luật pháp cho phép thì các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sẽ được giao đất có thu tiền hoặc được cho thuê đất. Như vậy thì các tổ chức tôn giáo và các tổ chức tôn giáo trực thuộc sẽ dễ dàng, thuận lợi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật cho phép.

Thu Trang – Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Khẩn trương tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Khẩn trương tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 164/CĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN