Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội và Công an tỉnh Đồng Nai đã triển khai quy chế phối hợp nhằm phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Trong quá trình phối hợp, ngành Bảo hiểm đã kiểm tra, phát hiện nhiều dấu hiệu, hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: hồ sơ không đúng quy định, làm giả hồ sơ bảo hiểm; hồ sơ cấp khống giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm. Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã chuyển cơ quan Công an hồ sơ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân có hành vi trốn đóng bảo hiểm, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm với số tiền lớn để xử lý. Tuy nhiên, sau khi xem xét, ngành chức năng chưa thể xử lý hình sự các trường hợp nêu trên; mới chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hành chính.
Để xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm thì cần có biên bản vi phạm hành chính. Việc xử lý hình sự là xử lý pháp nhân, không phải cá nhân. Điều đặc biệt quan trọng là phải phân tích rõ nguyên nhân chiếm dụng các khoản bảo hiểm, đồng thời chứng minh được chủ sử dụng lao động có chỉ đạo nhân viên cấp dưới trốn đóng bảo hiểm hay không. Đây là những vướng mắc cần được các đơn vị liên quan sớm tháo gỡ.
Theo ông Phạm Minh Thành, hiện nay pháp luật (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Công đoàn năm 2012) quy định tổ chức Công đoàn là đơn vị có quyền khởi kiện ra tòa doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Để khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, tổ chức Công đoàn cần tiến hành nhiều thủ tục như: tổ chức hòa giải tranh chấp quyền lợi tại Ủy ban nhân dân cấp huyện; phải có ủy quyền của toàn bộ người lao động. Đây là những quy định cần rất nhiều thời gian, khó triển khai trong thực tiễn vì số lượng lao động ở các doanh nghiệp nợ bảo hiểm là rất lớn, nhiều trường hợp lên đến hàng chục nghìn người.
Theo Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, trên địa bàn hiện có hơn 300 doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành chức năng Đồng Nai tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo hiểm tại hơn 170 đơn vị. Qua đó phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm, phổ biến nhất là tình trạng nợ đọng, chậm nộp, chây ì các khoản bảo hiểm; trốn đóng về đối tượng; đóng bảo hiểm với mức thấp hơn so với quy định. Hầu hết doanh nghiệp nợ bảo hiểm là do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, song có một số doanh nghiệp kinh doanh có lãi, mở rộng sản xuất nhưng vẫn cố tình trốn đóng các khoản bảo hiểm.