Về vấn đề này, BHXH Việt Nam thông tin như sau:
Điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN được hưởng chế độ TNLĐ khi bị tai nạn ngoài nơi làm việc, hoặc ngoài giờ làm việc, khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động, hoặc được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động, và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Khoản 1 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp TNLĐ hằng tháng.
Khoản 3 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Việc tạm dừng, hưởng tiếp trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật BHXH.
Điều 64 Luật BHXH quy định người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bị tạm dừng hưởng trong các trường hợp: Xuất cảnh trái phép; bị Tòa án tuyên bố là mất tích; có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật, thì khi cơ quan BHXH nhận được kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật thì, theo thời hạn cơ quan BHXH sẽ ban hành quyết định chấm dứt hưởng.
Việc xác định người lao động bị tai nạn giao thông có phải là TNLĐ hay không thuộc trách nhiệm của Đoàn điều tra TNLĐ. Trường hợp bạn bị tai nạn giao thông trên đường đi công tác, nếu được Đoàn điều tra TNLĐ kết luận là TNLĐ và Hội đồng giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, thì đủ điều kiện xem xét giải quyết chế độ TNLĐ.
Trường hợp bạn đã được giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng và không thuộc các trường hợp bị tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng, thì bạn được hưởng đồng thời trợ cấp hưu trí và trợ cấp TNLĐ theo quy định.