Thông báo kết luận nêu rõ, bảo vệ và phát triển rừng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ cần phải "tăng cường bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng" và "coi bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng tạo việc làm và nâng cao thu nhập"; đồng thời đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định kiểm tra hiện trường vụ hàng chục ha rừng tự nhiên ở huyện An Lão bị xóa sổ. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu: Đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng; đến năm 2020, tăng thêm khoảng 100.000 ha rừng đặc dụng; tăng cường năng lực thực thi pháp luật, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm giảm 30 - 35% so với giai đoạn 2011 - 2015; trồng rừng 1.025.000 ha; trong đó 75.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 200.000 ha rừng trồng thâm canh gỗ lớn; khoanh nuôi tái sinh rừng 360.000 ha/năm; trồng cây phân tán 250 triệu cây; chuyển hóa rừng trồng, kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn 90.000 ha; tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống là 75 - 80%.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ tổng thể trên đây. Triển khai đồng bộ các giải pháp xác định tại Chỉ thị số số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tại Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 06/6/2017, Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013; đẩy nhanh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty lâm nghiệp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực thi Chương trình REDD+ quốc gia để tạo nguồn thu từ bán quyền giảm phát thải các bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên.
Không để thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; hành động nhất quán của các cấp, các ngành; đồng thời quan tâm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ rừng khi thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, hoạt động công ích theo quy định của Nhà nước.
Thực hiện nghiêm việc chấm dứt khai thác chính và khai thác gỗ gia dụng rừng tự nhiên, khai thác tận thu, tận dụng; kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết khai thác tận dụng đối với các dự án được phép chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017, không để thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng, nhưng cũng không để lợi dụng khai thác ngoài khu vực cho phép, ngăn ngừa triệt để lợi ích cục bộ.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; kiểm tra, rà soát và thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp. Các địa phương tiếp tục rà soát các cơ sở chế biến gỗ theo đúng quy hoạch, đình chỉ ngay những cơ sở vi phạm pháp luật, thành lập không đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, xóa bỏ những tụ điểm kinh doanh, buôn bán gỗ, lâm sản trái pháp luật.
Tổ chức rà soát, đình chỉ, thu hồi các dự án vi phạm pháp luật. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi; đồng thời xử lý trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng; kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua.
Xử lý nghiêm người đứng đầu không phát hiện hành vi phá rừng Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên bị tàn phá, thay thế vào đó là những trụ trồng hồ tiêu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.
Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng; kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.
Đối với các Bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương.
Đồng thời tổng hợp, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, chủ rừng khi thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên; hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp về nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng hàng năm và các cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã ban hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan Tài nguyên và Môi trường các cấp tăng cường công tác quản lý đất đai, chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật.