Rừng nguyên sinh ở Trường Xuân, Đắk Nông bị chặt phá. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN |
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra 839 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, trong đó có 757 vụ phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại gần 418 ha rừng, tăng 88 vụ so cùng kỳ năm ngoái; diện tích bị thiệt hại tăng 145 ha so cùng kỳ năm 2016. Tình trạng phá rừng trái pháp luật đã xảy ra hầu hết các địa phương; trong đó, tập trung nhiều nhất là tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum.
Nguyên nhân là do các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có rừng, cơ quan, đơn vị, chủ rừng, nhất là ở những vùng trọng điểm phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật chưa quan tâm, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, chỉ đạo chưa quyết liệt.
Việc triển khai các chủ trương, chính sách về công tác quản lý bảo vệ rừng còn chậm, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng, chống người thi hành công vụ thiếu chặt chẽ, xử lý vụ việc thiếu kiên quyết. Phần lớn các đơn vị chủ rừng ở Tây Nguyên chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn buông lỏng quản lý bảo vệ rừng, báo cáo không trung thực.
Mặt khác, trong quá trình chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp sang Công ty TNHH 2 thành viên lâm nghiệp, một số đơn vị có biểu hiện buông lỏng, không triển khai các biện pháp quyết liệt để bảo vệ rừng…
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động các Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, các Đoàn kiểm tra thực hiện Chỉ thị 12, Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ ở cả 3 cấp, tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền cơ sở, các ngành, các đơn vị chủ rừng tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong công tác quản lý bảo vệ rừng, rà soát, xác định các vùng trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để thành lập các chốt cơ động (chốt liên ngành) nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, giảm thiểu thiệt hại tài nguyên rừng…