Tiếp tục dỡ bỏ các rào cản gây trở ngại cho sản xuất, kinh doanh

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai cải cách thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để hiểu rõ hơn về định hướng cũng như những giải pháp tăng cường cải cách hành chính, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Với tư cách là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng có thể đánh giá khái quát về cải cách hành chính theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong thời gian qua?

Với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg, tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2017 và Kế hoạch hoạt động năm 2017 của Ban Chỉ đạo, công tác tuyên truyền cải cách hành chính.

Thời gian qua, việc chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính đã được Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm, triển khai có hiệu quả; theo dõi, đánh giá cải cách hành chính đã có sự đổi mới, với việc công bố Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đã được các cơ quan hành chính triển khai thường xuyên hơn, tạo chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính phục vụ.

Thông qua nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cải cách hành chính đã đạt được kết quả toàn diện trên cả 6 nội dung. Những kết quả nổi bật là:

Thứ nhất, thể chế của nền hành chính đã được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản phù hợp với yêu cầu chủ trương quan trọng của Đảng và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt qua công tác kiểm soát, ban hành mới, rà soát, đơn giản hóa, công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính.

Thứ hai, bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương bước đầu đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp. Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới; đã từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính được triển khai một cách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từng bước phấn đấu theo hướng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử”, nổi bật là hệ thống một cửa hiện đại cấp quận, huyện, phường, xã, mô hình Trung tâm hành chính công.

Có ý kiến cho rằng, cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp vẫn còn chuyển biến chậm. Bộ trưởng đánh giá gì về nhận định này?

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã tập trung nguồn lực, tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương và đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư, kinh doanh, thuế, kho bạc, hải quan... nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng... Số lượng các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn ít. Cơ sở vật chất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được hiện đại hóa nền hành chính. Số lượng dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế.

Trong khi đó, việc công bố, công khai thủ tục hành chính trong thời gian qua còn chậm, còn tình trạng công khai thủ tục hành chính đã hết hiệu lực. Điều đó, dẫn đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chưa cao, ở một số nơi còn có tình trạng người dân, doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn về tinh thần, thái độ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của công chức, viên chức.

Vậy theo Bộ trưởng, cần làm gì để khắc phục những hạn chế nêu trên?

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai cải cách thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách hành chính.

Thứ hai, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tổ chức rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo phạm vi quản lý hoặc thực hiện để cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp. Thực hiện đầy đủ các quy định về chuẩn hóa, công bố, công khai, niêm yết và cập nhật thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Thứ tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Thứ năm, thực hiện đối thoại định kỳ với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng và thẩm quyền quản lý của các cơ quan, đơn vị để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Giải quyết kịp thời, triệt để phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Cuối cùng là tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính; kịp thời khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong cải cách thủ tục hành chính và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực cải cách hành chính, Bộ Nội vụ có định hướng giải pháp gì để hiện đại hóa lĩnh vực hành chính công, ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính công trong thời gian tới?

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để trình Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.

Để đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính công thời gian tới, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông gắn kết ứng dụng công nghệ thông tin với hoạt động cải cách hành chính giai đoạn 2017-2020.

Cụ thể là một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Ban hành, triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, cơ sở dữ liệu, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4; thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ...

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Quốc Huy (Thực hiện )
Mạnh dạn cắt bỏ quy định, gỡ bỏ rào cản doanh nghiệp
Mạnh dạn cắt bỏ quy định, gỡ bỏ rào cản doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa biểu dương, khen ngợi Bộ Công Thương về 3 vấn đề; trong đó có quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN