Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra rất nhiều thông điệp và hành động mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh. Là người đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá sao về điều này?
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Năm qua, Chính phủ đã đảm bảo được những quy định đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 được thực hiện nghiêm túc khi hàng nghìn điều kiện kinh doanh được quy định tại thông tư được rà soát, bãi bỏ và thay bằng gần 50 nghị định. Một khối lượng lớn công việc rất lớn đã được thực hiện trong thời gian ngắn, đảm bảo được mốc thời gian 1/7/2016 là các điều kiện kinh doanh tại thông tư phải bãi bỏ như luật quy định, nhưng cũng đảm bảo chất lượng các điều kiện kinh doanh. Đây là lần đầu tiên Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp một cách dồn dập và tập trung vào cải cách thể chế mạnh mẽ như vậy.
Thời gian tới cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc giám sát và đánh giá kết quả thực thi. Không thể chấp nhận được việc một số lĩnh vực dù được chỉ đích danh trong các báo cáo tổng kết Nghị quyết 19 là cản trở, cần thay đổi… nhưng sau bao năm vẫn không chịu thay đổi dù đó chỉ là những thông tư của cấp bộ. Những tinh thần rất cải cách theo nghị quyết của Chính phủ này cần được đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc nhất trên thực tế.
Mặt khác, cần tiếp tục phát huy những rà soát độc lập và những ý kiến phản biện đối với các quy định đang cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp, trước hết về điều kiện cấp phép, quy định thủ tục hành chính. Qua quá trình rà soát một cách độc lâp các điều kiện kinh doanh quy định tại cấp thông tư chuyển đổi lên nghị định theo yêu cầu của Chính phủ, VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã phát hiện hàng trăm các vấn đề bất cập, có thể bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hoá… Điều đó cho thấy hoàn toàn có thể phát hiện thêm rất nhiều những vấn đề tương tự đang tồn tại không chỉ tại rất nhiều thông tư mà trong các nghị định, luật… và dư địa cải cách đang còn rất lớn.
Về nguyên tắc, mỗi quy định đưa ra phải dựa trên sự tính toán, đánh giá được chi phí và lợi ích của từng thủ tục hành chính chứ không chỉ nêu chung chung là nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước, như cách làm phổ biến trước đây. Chúng ta dường như đang lạm dụng các giải pháp quản lý, đặt ra rất nhiều gánh nặng hành chính, thủ tục cấp phép và không bao giờ tính đến hệ quả của việc đó đã tạo ra gánh nặng như thế nào cho doanh nghiệp, ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của hàng hoá của Việt Nam và gây thiệt hại như thế nào đến nền kinh tế nói chung.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế thế giới năm 2017 vẫn là một năm khó khăn, khó đoán định. Ông nhìn nhận ra sao về những dự báo này và theo ông, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần phải ứng phó ra sao?
Đúng là năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, khi mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa đang gia tăng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới… Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế và sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Chính phủ đang triển khai chương trình thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, trình ra Quốc hội dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nỗ lực đáng kể.
Trong chính sách hiện nay, tôi cho rằng cũng phải rà soát lại chính sách đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước. Nhiều địa phương coi trọng doanh nghiệp FDI mà coi nhẹ đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có những chương trình đề hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực về quản trị và công nghệ.
Theo ông, đâu là những bước đột phá để phát triển doanh nghiệp năm 2017?
Từ khi có Chính phủ mới thì chúng ta thấy cụm từ doanh nghiệp tư nhân trong nước được nhấn mạnh hơn trong vai trò là động lực, thậm chí là động lực chính cho sự phát triển kinh tế. Đây là một nhận thức lại rất quan trọng của chúng ta trong quá trình phát triển. Việc đặt đúng vai trò của khu vực tư nhân trong vai trò quyết định sự phát triển bền vững của Việt Nam là điều hết sức quan trọng. Để làm được những điều đó đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và cải cách doanh nghiệp nhà nước, từ đó tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và điều kiện để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển.
Để tạo ra bước phát triển đột phá thực sự, chúng tôi đề nghị Chính phủ cần siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát, phản biện của người dân và doanh nghiệp. Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để thúc đẩy thực thi là một giải pháp tốt và cần được thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành. Bên cạnh đó là chuẩn bị tích cực để có thể trình được ra Quốc hội dự luật 1 luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh ngay trong kỳ họp tới và việc này phải được tiến hành thường xuyên vì tình hình đang thay đổi hết sức nhanh chóng.
Cùng với đó là xây dựng ngay chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, sửa đổi những yêu cầu về thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng… không phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy quá trình này. Chắc chắn khi sửa đổi chính sách và thủ tục sẽ có những nội dung liên quan đến các điều luật thì thiết kế đưa ngay vào Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc Luật sửa đổi các luật về đầu tư kinh doanh để có thể ban hành trong kỳ họp Quốc hội tới; trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi Bộ Luật Lao động hiện hành theo hướng sửa đổi các quy định về thời gian làm thêm một cách linh hoạt trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, điều chỉnh các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho phù hợp, bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Xin cảm ơn ông!