Gỡ bỏ rào cản để phát triển mạnh ngành cơ khí chế tạo

Ngành cơ khí chế tạo là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, có vai trò như một động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhằm làm rõ hơn vai trò, thực lực và giải pháp phát triển ngành cơ khí chế tạo Việt Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Việt Hùng.

Ông đánh giá thế nào về vai trò “động lực” của ngành cơ khí đối với sự phát triển của đất nước?


Vào những năm 60 khi nói về công nghiệp hóa, Bác Hồ nói “công nghiệp hóa chính là dùng sức máy thay sức người”. Để sức máy thay sức người một cách bền vững chúng ta cần phải tự chế tạo ra máy. Đó chính là vai trò và trách nhiệm của ngành cơ khí chế tạo máy. Tuy nhiên, để đáp ứng được sự phát triển của đất nước, ngành cơ khí phải tự hiện đại hóa bằng việc tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin, vật liệu mới, điều khiển, cơ điện tử... nhằm chế tạo ra hệ thống máy hiện đại, hoàn chỉnh, mang lại hiệu quả cao.

Chế tạo chi tiết máy thủy lực tại Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật cơ khí chính xác (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Trước đây, có những thời kỳ ở miền Bắc mỗi huyện có một nhà máy cơ khí, nhưng ngành cơ khí vẫn không phát triển được do trình độ công nghệ của các nhà máy từ trung ương đến địa phương đều như nhau, có chăng chỉ khác nhau ở quy mô. Thời kỳ này, máy móc chủ yếu là những máy cơ khí vạn năng thông thường. Vì vậy, khi chuyển sang kinh tế thị trường ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn, không thể phát triển được.

Tuy nhiên, trong 15 năm trở lại đây, Nhà nước đã thực thi nhiều giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện để ngành cơ khí phát triển như xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực cơ khí chế tạo cho từng giai đoạn 5 năm; xây dựng chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia; xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí đến 2010, tầm nhìn 2020... Những giải pháp đó đã góp phần làm cho ngành cơ khí có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp khác. Ngành cơ khí đã góp phần tăng tiềm lực nội địa hóa, làm giảm tỷ lệ nhập khẩu thiết bị máy móc, giá trị hàng hóa xuất khẩu đã qua chế biến tăng lên.

Theo ông, việc nghiên cứu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hay chưa?

Hiện nay, nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã càng ngày càng gắn với sản xuất nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp một phần do cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay chưa phù hợp. Khi một doanh nghiệp, nhà kinh doanh đầu tư vào sản phẩm nào đó, chủ yếu họ bắt đầu từ nhu cầu của thị trường. Nhưng những nhà nghiên cứu của chúng ta vẫn được quản lý và được cấp tiền theo kiểu hành chính cho nên cung chưa bắt nhịp được cầu và ngược lại.

Hiện nay, trong các doanh nghiệp, lực lượng nghiên cứu phát triển rất ít, thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn trước kia có phòng thiết kế thì nay đã bỏ. Điều đó cũng khiến cho doanh nghiệp khó tiếp nhận công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ mới. Tư duy và thói quen làm ăn nhỏ đã ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam. Điển hình là tư tưởng “đèn nhà ai nhà ấy rạng” đã làm cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các viện, các trường rất khó. Ngay cả các viện, trường hợp tác với nhau cũng khó. Đó là những cản trở lớn cho nghiên cứu khoa học. Tôi cho rằng, trong giai đoạn tới chúng ta phải gỡ bỏ những rào cản đó để mối quan hệ giữa các khâu nghiên cứu, đào tạo và sản xuất khăng khít hơn, giúp ích trực tiếp hơn cho sự phát triển của sản xuất nói chung và ngành cơ khí nói riêng.


Theo ông, cần giải pháp gì để tháo gỡ những nút thắt trên? Những giải pháp để ngành cơ khí tiếp tục phát triển, khẳng định vai trò của ngành?

Theo tôi, mấu chốt phải lập những chương trình mở, nghĩa là nó không quy định rõ tháng nào phải đăng ký đề tài và tháng nào kết thúc đề tài. Chương trình phải như dòng chảy của dòng sông, hết ban chủ nhiệm này đến ban chủ nhiệm khác có thể nối tiếp nhau quản lý chương trình nhưng không cản trở dòng chảy của nó. Nếu chúng ta làm như hiện nay thì chương trình nghiên cứu KH&CN luôn luôn bị cắt đoạn theo chu kỳ 5 năm của kế hoạch nhà nước. Tiếp đến là mỗi chương trình phải gồm nhiều dự án sản xuất KH&CN, nhằm mục đích sản xuất một sản phẩm nào đó có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra sản phẩm có khả năng thương mại hóa, đặc biệt là các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia. Còn như hiện nay, chúng ta có thể nghiên cứu ra một sản phẩm, nhưng phần lớn khó có sản phẩm thương mại có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chương trình KC.05/06 - 10 có nhiều tiến bộ và có nhiều điểm vượt trội hơn so với KC.05 giai đoạn 2001 - 2005, tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo chúng ta phải tiếp tục đi theo hướng nghiên cứu tích hợp những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa ngành cơ khí. Ngành cơ khí cũng cần phải tham gia vào đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế khác, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đặc biệt là các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia. Trên cơ sở đó, ngành cơ khí sẽ góp phần tích cực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, biến nước ta từ chủ yếu xuất khẩu hàng thô sang xuất khẩu hàng đã chế biến với giá trị gia tăng cao. Tạo ra đội ngũ nghiên cứu phát triển KH&CN có trình độ cao cũng chính là một trong những yếu tố cơ bản đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững.

Phương Nga - Phương Hoàn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN