Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy làm 3 cảnh sát hy sinh
Khoảng 13 giờ ngày 1/8/2022, xảy ra vụ cháy tại số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội hy sinh. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Công điện 683/CĐ-TTg chỉ đạo về vụ việc này.
Công điện yêu cầu Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời và thực hiện đầy đủ các chính sách với cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và gia đình; chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả và điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.
Công điện yêu cầu Bộ Y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Đặc biệt lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Công điện 698/CĐ-TTg ngày 4/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2022; phấn đấu hoàn thành 100% tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 đảm bảo hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Chương trình hành động phát triển KTXH vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0 - 9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45 - 46%, dịch vụ chiếm 37 - 38%; GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng
Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 4 đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng. Theo đó có 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.
Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức
Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định quy định việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, viên chức chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Điều kiện công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu khi:
1- Đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của: Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã NTM); Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã NTM nâng cao); Quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 (đối với xã NTM kiểu mẫu).
2- Không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.
3- Có tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của xã đáp ứng yêu cầu theo quy định.
4- Xã không phức tạp về an ninh, trật tự theo quy định của Bộ Công an.
Phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 923/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình nhằm cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Chất thải phát sinh phải được quản lý như tài nguyên
Chất thải phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, khuyến khích quản lý tổng hợp chất thải theo toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng theo hướng kinh tế tuần hoàn, khép kín.
Đó là quan điểm của Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phê duyệt tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022.
Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Chương trình là đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân…
8/9 là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030".
Quyết định nêu hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 08/9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng, tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Cung ứng dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại, phòng, chống thiên tai
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; về nông nghiệp - nông dân - nông thôn giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, nhiệm vụ của các dịch vụ truyền hình tuyên truyền là phải tổ chức sản xuất các chương trình truyền hình đảm bảo nội dung thông tin chính xác, kịp thời, khách quan, hữu ích, có tính chuyên biệt và hình thức thể hiện sinh động, hiện đại, hấp dẫn; đáp ứng các mục tiêu trên; thực hiện phát sóng các chương trình truyền hình trên các kênh chuyên biệt thông qua các hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình và tổ chức phân phối nội dung trực tuyến.